4 vai trò then chốt trong doanh nghiệp BẤT CỨ DOANH NGHIÊP NÀO
Bốn vai trò quan trọng trong kinh doanh là gì? Đó là vai trò của người tạo dựng, người quản lý, chuyên gia và người bán hàng.
1) Người tạo dựng
Người tạo dựng có thể ví như thuyền trưởng một con tàu hay nhạc trưởng một dàn nhạc. Tất cả những công ty muốn thành công đều cần một người tạo dựng và vai trò đó thường thuộc về người sáng lập/chủ công ty. Đó là người có tầm nhìn rõ hướng về tương lai. Họ biết công ty mình sẽ như thế nào trong 10 năm tới. Đó thường là người thiên về não phải, liên tục đổi mới sản phẩm, dịch vụ và phương cách thực hiện. Những công ty muốn về đích đều cần vị thuyền trưởng này – người lèo lái con tàu khiến mọi người nhìn theo hướng của mình và luôn sáng tạo để công ty giữ vững lợi thế cạnh tranh và không bị tụt lại trên đường đua
Ví dụ, Steve Jobs là người sáng lập ra Apple và là linh hồn của nó. Khi ông bị buộc phải rời khỏi con tàu của mình vào những năm 1980 thì Apple cũng bắt đầu xuống dốc. Sản phẩm của nó (Mac đời đầu) trở nên lỗi thời nhưng không còn ai có sức sáng tạo để cho ra đời những sản phẩm mang tính đột phá như trước. Khi Steve trở lại Apple vào năm 2000, ông lập tức tạo ra iMac, iTunes, iPod, iPhone và đưa Apple trở lại là một trong những công ty công nghệ cao lớn nhất thế giới. Giá cổ phiểu công ty tăng từ 18 đô lên 200 đô trong vòng 7 năm.
Bên cạnh người sáng lập/chủ doanh nghiệp, các công ty lớn hơn thường có các chiến lược gia, các nhà đầu tư và nghiên cứu đóng vai trò người tạo dựng.
Người tạo dựng, bên cạnh điểm mạnh của mình, cũng có những điểm yếu. Họ có xu hướng nghĩ đến “bức tranh toàn cảnh” mà quên đi chi tiết. Họ thường không tỉ mỉ và thiếu óc tổ chức. Họ rất giỏi khởi xướng những việc mới mẻ, nhưng không đủ sức triển khai và hoàn tất nó. Bạn có thể nhận ra người tạo dựng bằng cách xem anh ta sắp xếp hành lý của mình. Anh ta sẽ ném mọi thứ vào vali mà không quan tâm đến việc sắp xếp gọn gàng.
Một công ty mà chỉ có toàn mẫu người tạo dựng sẽ dồi dào ý tưởng, nhưng lại không có khả năng biến chúng thành hiện thực. Đó là lý do tại sao công ty nào cũng phải có những người “đóng vai trò” quản lý.
4 vai trò của doanh nghiệp
2) Người quản lý
Trong khi thế mạnh của Bill Gates là phát minh và lập trình những giải pháp phần mềm mang tính đột phá thì vai trò của Steve Ballmer (CEO của Microsoft và đối tác của Bill Gates) là đảm bảo mọi người trong công ty thực hiện tốt phần việc của mình để biến ước mơ chung thành hiện thực. Trong khi Bill Gates là người tạo dựng của Microsoft, Steve Ballmer là “trưởng bối” của đội ngũ “quản lý”; dưới cây gậy chỉ huy của ông còn có hàng ngàn giám đốc và trưởng phòng ban khác đảm nhiệm vai trò “quản lý” ở những cấp độ khác nhau.
Tính cách của người quản lý hoàn toàn đối lập với người tạo dựng. Người quản lý thông thường sẽ là một người thiên về não trái – một người nề nếp, làm việc theo quy củ trật tự và thích dự đoán mọi chuyện. Trong khi người tạo dựng luôn nghĩ tới tương lai, người quản lý lại sống với hiện tại. Người tạo dựng tập trung vào bức tranh tổng thể, còn người quản lý lưu ý đến từng chi tiết. Người tạo dựng hành động theo ngẫu hứng và thiếu tổ chức, trong khi người quản lý rất ngăn nắp, thực tế và ghét những gì không chắc chắn.
Châm ngôn của người quản lý là, “Mọi thứ đều có chỗ của nó và phải ở vào đúng chỗ”. Họ thường rất giỏi trong việc lên kế hoạch, tổ chức, ra thời hạn và theo dõi để đảm bảo mọi thứ đều được thực hiện theo đúng kế hoạch. Và đương nhiên bạn có thể tưởng tượng hành lý của những người này như thế nào rồi đấy.
Cũng như người tạo dựng, tính cách của người quản lý cũng có điểm thiếu hụt. Họ không thích sự thay đổi và họ thường tập trung quá nhiều vào chi tiết mà quên đi hoặc không thấy hết bức tranh tổng thể. Trong khi người tạo dựng mơ mộng và sáng tạo, người quản lý lên kế hoạch thực hiện theo đúng cách thì chuyên gia là người tạo ra sản phẩm và dịch vụ.
3) Chuyên gia
Chuyên gia là người có những kỹ năng cần thiết về mặt chuyên môn kỹ thuật của công ty. Dù tập trung vào chi tiết, họ vẫn có khả năng sáng tạo. Chuyên gia chính là những lập trình viên trong các công ty phần mềm, đầu bếp trong nhà hàng, thợ làm đầu trong tiệm uốn tóc, người viết kịch bản trong các công ty quảng cáo và giáo viên trong các trung tâm đào tạo.
Trong bất kỳ một ngành kinh doanh nào, bạn cũng cần có các loại chuyên gia khác nhau trong những bộ phận khác nhau. Ví dụ trong công ty về giáo dục đào tạo của tôi, chuyên gia của tôi bao gồm những chuyên gia đào tạo, giáo viên, huấn luyện viên, tư vấn viên, chuyên viên vận hành, chuyên viên kỹ thuật về âm thanh/ánh sáng và người quản lý tài chính.
Hầu hết những người mở công ty thường xuất phát từ vai trò chuyên gia (ví dụ một giáo viên mở trung tâm dạy học). Tuy nhiên, do thiếu kỹ năng của “người tạo dựng” và “người quản lý”, công ty của họ không thể thoát khỏi khuôn khổ của một công ty tư nhân đơn lẻ.
Chuyên gia thường tập trung và dành nhiều thời gian cho những việc chuyên môn nên họ thiếu tầm nhìn cho công ty, gặp khó khăn trong việc đổi mới phương thức hoạt động và thiếu kỹ năng quản lý nhân sự.
4) Người bán hàng
Cuối cùng, tất cả các công ty thành công đều cần những người có tích cách của “người bán hàng”. Có thể ví họ như những “thương nhân”, có khả năng mang lại nhiều hợp đồng làm ăn và khách hàng. Trong ngành kinh doanh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (Business to Business), người bán hàng thường được biết đến như nhân viên phát triển kinh doanh hay chuyên viên bán hàng. Những người này có kỹ năng giao tiếp tốt và nắm được nghệ thuật tạo dựng các mối quan hệ. Họ là những người hướng ngoại, thích gặp gỡ mọi người, không ngại ngùng mở đầu cuộc nói chuyện với những người lạ trong một bữa tiệc. Họ luôn nhớ tên mọi người và thích làm người khác vui lòng. Họ rất giỏi xây dựng các mối quan hệ, giỏi thuyết phục người khác và giỏi bán hàng.
Trong ngành kinh doanh theo hình thức doanh nghiệp với người tiêu dùng (Business to Consumer), người bán hàng có thể không cần phải gặp nhiều người, nhưng họ là người hiểu rõ tâm lý khách hàng, và giỏi trong các phương thức khuyến mãi, tiếp thị.
Do vậy, khi phỏng vấn một ứng viên, bạn phải nhận ra được kiểu tính cách của họ và tìm ra vai trò thích hợp nhất với người đó. Có rất nhiều bài trắc nghiệm tâm lý mà bạn có thể dùng như MBTI (Myers-Briggs Type Indicator) hoặc công cụ phân loại DISC.
4 vai trò của doanh nghiệp