Tiêu chuẩn cho từng vị trí
BƯỚC 1: XÁC ĐỊNH TIÊU CHUẨN CẦN VÀ ĐỦ CHO TỪNG VỊ TRÍ
Như trong một đội bóng, chúng ta phải xác định tiêu chuẩn cho từng vị trí của một đội hình lý tưởng, để các cầu thủ có thể làm việc một cách gắn kết và hỗ trợ cho nhau, đồng thời mạnh dạn loại bỏ những người chơi không thích hợp. Vấn đề ở chỗ, thế nào là một người phù hợp? Người phù hợp là người phải có cả TÀI lẫn TÂM. Tất nhiên, ai cũng muốn tuyển dụng những người đủ thông minh để suy nghĩ nhanh chóng và đưa ra những quyết định đúng đắn. Họ phải có kiến thức, năng lực cũng như các kỹ năng mà cương vị của họ đòi hỏi. Theo nghĩa ấy, người bạn muốn giao trọng trách về tiếp thị phải nhạy bén trong việc thăm dò tâm lý khách hàng, biết cách phát triển những mẫu quảng cáo và chương trình khuyến mãi hiệu quả, cũng như am hiểu những phương tiện truyền thông khác nhau. Đó là những điểm đặc thù mà ta vẫn gọi là TÀI.
Tôi quen khá nhiều người có đủ TÀI NĂNG để hoàn thành công việc tốt trên cả mong đợi, nhưng họ lại thiếu một thứ quan trọng không kém, đó là CÁI TÂM. Người có TÂM là người thật sự đam mê công việc họ làm và không đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu. Một thầy giáo có TÂM không tha thiết gì hơn là được chia sẻ kiến thức và giúp học trò của mình tiến bộ. Nhà quản lý có TÂM sẽ thật lòng yêu quý mọi người xung quanh và nhiệt tình giúp đỡ họ phát huy hết khả năng của mình. Đối với họ, đây không chỉ đơn giản là một công việc kiếm sống mà còn là một sứ mệnh! Những người có TÂM không cần có phần thưởng hay hình phạt để làm việc tốt. Đối với họ, công việc là tâm huyết là niềm vui, và ngược lại. Họ làm việc hết sức không vì số tiền họ sẽ kiếm được hay những bổng lộc đi kèm, mà bởi cảm giác tự hào khi thực hiện một công việc tốt đẹp.
Trong khi bạn có thể dễ dàng nhìn ra người TÀI thông qua nền tảng học vấn, kinh nghiệm làm việc và những thành tích trước đó, thì việc đánh giá một người có TÂM hay không phức tạp hơn nhiều. Thông thường, tôi có thể nhận ra một người có TÂM hay không qua cách họ nói chuyện và thể hiện mình. Những người có TÂM toát ra một trường năng lượng tích cực có thể truyền cảm hứng và khích lệ những người xung quanh. Những người như vậy rất khó kiếm nhưng bạn có thể nhận ra ngay khi bạn gặp và cảm được họ. Thông thường khi một ứng viên xin việc hỏi tôi về số ngày nghỉ hay số giờ phải làm, tôi biết ngay rằng họ thiếu cái TÂM.
Những người vừa TÀI vừa có TÂM chắc chắn là những người mang lại giá trị cao nhất cho công ty. Họ là những người luôn làm việc hơn cả mong đợi và tạo ra hàng trăm ngàn đô giá trị cho mỗi ngàn đô bạn trả cho họ. Đó là những người luôn chủ động làm cho mọi việc xảy ra và đầu tư tâm huyết vào việc phát triển công việc kinh doanh của bạn.
BƯỚC 2: TÌM KIẾM VÀ THU HÚT NGƯỜI CÓ TÀI CÓ TÂM
Khi bạn đã biết rõ loại người bạn cần tìm kiếm, bạn phải bắt đầu “đãi cát tìm vàng” và chiêu mộ họ về làm việc cho bạn. Điều quan trọng là không bao giờ được thỏa hiệp và nhượng bộ những tiêu chuẩn mà bạn đã đặt ra.
Tiêu chuẩn cho từng vị trí
Nhiều chủ công ty mắc phải sai lầm nghiêm trọng khi tuyển những người không đạt tiêu chuẩn chỉ vì vị trí đó cần người gấp. Đưa những người không phù hợp vào công ty thì dễ nhưng để mời họ ra thì bạn phải nhọc công tốn sức hơn nhiều. Nếu bạn không sa thải người đó thì họ sẽ gây ra hậu quả nặng nề cho công ty, còn hơn là để trống vị trí đó. Bởi thế, ngay từ đầu bạn hãy xác định rõ: chỉ tuyển những người đáp ứng yêu cầu của bạn.
Tôi thành thật tin rằng, tìm được những người phù hợp có cả TÀI lẫn TÂM là việc làm khó khăn nhất đối với một doanh nhân. Với bề dày làm việc với hơn 300 ngàn người và 150 công ty trong suốt 15 năm qua, tôi gặp không đến 10% người có cả TÀI lẫn TÂM đáng tuyển dụng để xây dựng một đội ngũ hạng nhất. Quả thật những người như vậy hiếm như lá mùa thu.
Vì thế, bạn đừng vội kỳ vọng là chỉ cần đăng một mẩu tin tuyển dụng trên mạng hay trên báo là những người “trong mơ” kia sẽ chạy đến với bạn ngay. Trung bình, tôi phải phỏng vấn khoảng 30 ứng viên mới tuyển được một người mà tôi tin là sẽ đem lại giá trị cho công ty. Và để có được 30 lần phỏng vấn đó, tôi phải bỏ đi 300 hồ sơ xin việc khác không đáng xem xét.
Nhưng xin bạn đừng vội thất vọng! Với tư cách là người đãi cát tìm vàng, bạn phải đào hàng tấn đất mới mong nhặt được một hạt vàng chứ. Thì tìm người cũng giống như vậy, chẳng phải con người là thứ tài sản quý báu nhất đó sao? Sau khi tập hợp được một đội ngũ như thế, bạn sẽ chứng kiến sự thành công của công ty bạn dưới lực đẩy của họ.
Để tôi tiết lộ cho bạn biết một sự thật đáng lo ngại hơn. Những người tài giỏi thường chẳng mấy khi để mắt đến các thông báo tuyển dụng! Lý do là vì những người này hiếm khi nào phải đi tìm việc mà còn bị “săn đuổi” ráo riết nữa là khác. 10% những người tạo ra nhiều giá trị nhất luôn được những công ty hàng đầu trải thảm đỏ đón mừng. Thậm chí trước khi họ quyết định rời bỏ công việc hiện tại, những công ty khác muốn có được nhân tài, đã chủ động đưa ra nhiều lời mời hấp dẫn. Mở rộng quan hệ và đánh tiếng khắp nơi
Vậy làm thế nào để bạn có thể tìm kiếm và tuyển dụng được những người như vậy, trong khi họ bao giờ cũng “đắt” việc? Vẫn có cách, hãy liên tục mở rộng mối quan hệ thông qua các hoạt động thương mại liên quan đến lĩnh vực của bạn hay trò chuyện với đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là những người đến từ các công ty lớn. Hãy cho họ biết bạn đang tìm những người giỏi gia nhập công ty mình. Bằng cách này, những người không hoàn toàn thỏa mãn với công việc hiện tại có thể cân nhắc lời đề nghị của bạn. Hoặc họ có thể háo hức với triển vọng được làm việc trong công ty đầy hứa hẹn của bạn.
Hãy để người tài thu hút người tài
Tôi cũng phát hiện ra rằng những người tài năng thường hay gặp gỡ nhau theo quy luật ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Những giáo viên giỏi và giàu tâm huyết thường làm bạn với những giáo viên giống như họ, các đầu bếp có tiếng trong nghề cũng thường giao du với nhau. Khi trong công ty bạn có vài người như vậy, hãy đề nghị họ giới thiệu bạn bè của họ, cũng là chuyên gia hàng đầu trong cùng lĩnh vực với họ. Tìm kiếm những viên kim cương thô
Chắc bạn không khỏi băn khoăn, lấy tiền đâu ra trả mức lương cao ngất để thu hút hiền tài về làm cho công ty mình. Nếu trong giai đoạn đầu, tiền bạc chưa dồi dào, bạn hãy chịu khó đi tìm những “viên kim cương thô” chưa được khám phá.
Hãy để mắt đến những sinh viên mới ra trường hoặc những người có dưới 3 năm kinh nghiệm làm việc. Không ít người trẻ tuổi này có cả TÀI lẫn TÂM, chỉ thiếu kinh nghiệm làm việc mà thôi. Chính vì vậy, họ thường chấp nhận mức lương thấp hơn và có động cơ học hỏi thêm. Hãy tìm đến những trường đại học trong vùng, giới thiệu về công ty của bạn với những sinh viên sắp tốt nghiệp.***
Khi mới mở AKLTG, tôi có định hướng chỉ tuyển dụng những nhân viên trẻ tuổi nhưng tài năng và đầy nhiệt huyết với mức lương phải chăng. Và giờ đây, sau 6 năm hoạt động, độ tuổi trung bình của đội ngũ trong mơ của tôi chỉ là 29.
Đãi ngộ bằng cổ phần hay lợi tức
Mặc dù tuyển dụng sinh viên mới ra trường giúp tiết kiệm chi phí, việc mời những chuyên gia có kinh nghiệm làm việc trong các công ty hàng đầu về lãnh đạo mảng tiếp thị, vận hành và tài chính cũng rất quan trọng. Những người này có thể mang những kinh nghiệm và tiêu chuẩn làm việc hàng đầu từ các công ty đa quốc gia về áp dụng cho công ty bạn.
Những sinh viên mới tốt nghiệp thường có thừa khả năng và sự nhiệt tình nhưng lại thiếu kinh nghiệm làm việc ở các công ty lớn để có thể đẩy nhanh tiến độ phát triển của công ty bạn. Họ thường lạ lẫm với việc tạo ra những hệ thống, phương thức hoạt động và những công cụ đánh giá hiệu quả công việc. Họ cần được đào tạo bởi những người giàu kinh nghiệm hơn.
Vậy làm thế nào để bạn mời được những chuyên gia lão luyện đó? Tôi phát hiện ra rằng nhiều người trong số họ sẵn sàng rời bỏ những công ty đồ sộ và tham gia vào những công ty non trẻ, nơi họ có nhiều ảnh hưởng hơn và có cơ hội xây dựng một cái gì đó. Việc bạn cần làm là “bán” cho họ ước mơ.
Tất nhiên, bạn khó có thể trả cho họ hàng chục ngàn đô mỗi tháng như mức lương hiện tại của họ, nhưng bạn có thể đãi ngộ họ bằng cổ phần hoặc một phần lợi nhuận của công ty.
Tóm lại, để tuyển được nhân tài, bạn cần làm những việc sau:
– Đăng quảng cáo tuyển dụng trên báo hay các trang web tuyển dụng như www.vietnamworks.com hay www.hrvietnam.com. Nhưng hãy chuẩn bị tinh thần sàng lọc hàng trăm hồ sơ xin việc không đáp ứng tiêu chuẩn của bạn.
– Thường xuyên tham dự các hoạt động và sự kiện có liên quan đến ngành nghề của bạn để mở rộng quan hệ và gặp gỡ đối thủ cạnh tranh. Cho họ biết rằng bạn đang tuyển dụng nhân tài.
Đọc tiếp phần 2 tại đây
Tiêu chuẩn cho từng vị trí