Việc làm cho và làm chủ

Việc làm cho và làm chủ  – NGHỆ THUẬT CÂN BẰNG GIỮA CHIẾN THUẬT VÀ CHIẾN LƯỢC
Việc làm cho và làm chủ

 

Bạn có thể đặt câu hỏi, “Nếu tôi không làm tất cả để công ty hoạt động, ai sẽ làm đây?”, “Khi mới mở công ty, tôi đâu có đủ tiền thuê cả đống người về làm việc để rảnh rang tập trung cho chiến lược phát triển!”. Đúng vậy, giai đoạn khởi nghiệp (nhất là khi bạn chỉ có một mình với rất ít vốn), bạn phải làm cho công ty như một nhân viên thực thụ. Tuy vậy, bạn phải có kế hoạch dành một thời lượng nào đó để phát huy vai trò NGƯỜI CHỦ! Nếu không, bạn sẽ bị cuốn vào guồng máy làm việc liên tục như các nhân viên khác! Chúng ta hãy thử lấy ví dụ về kinh doanh nhà hàng để phân biệt giữa hai vai trò làm cho công ty và làm chủ công ty.

Ở giai đoạn bắt đầu, bạn nên sử dụng tối đa 60% thời gian làm cho công ty, và 40% làm chủ công ty. Ngay từ đầu bạn cần có chủ trương tìm cách giao phó dần dần những phần việc của mình cho nhân viên. Nếu bạn không rủng rỉnh tiền bạc, bạn có thể chọn giải pháp thuê người làm tự do, thực tập viên hoặc hợp tác với ai đó để cùng chia sẻ công việc và lợi nhuận. Đó cũng là cách mà tôi bắt đầu.

Sau một thời gian, bạn sẽ có nguồn thu ổn định, cho phép bạn thuê nhiều nhân viên hơn để có thể đẩy bớt những việc nhỏ và tập trung cho công tác hoạch định chiến lược phát triển. Mục tiêu cuối cùng của bạn là phải tập trung trên 90% thời lượng và tâm sức để làm chủ và chỉ dành chưa đến 10% làm cho công ty. Chính điều này đã làm cho McDonald’s thực hiện bước đại nhảy vọt từ một nhà hàng bé nhỏ thành một đế chế hùng mạnh với một chuỗi gồm khoảng 32.000 cửa hàng bán thức ăn “phủ sóng” ở 117 nước. Phải, ngay từ bước đầu Ray Kroc đã làm khác anh em nhà McDonald, cha đẻ thật sự của thương hiệu này, ông không bao giờ đứng ra phục vụ khách hàng hay trực tiếp vào làm bánh, mặc dù ông vẫn thường tự tay nhặt rác bỏ vào thùng để làm gương cho nhân viên. Ông dùng toàn bộ thời gian của mình để dựng nên mô hình kinh doanh hoàn hảo để bất cứ ai cũng có thể thực hiện nó một cách tốt đẹp.

Một ví dụ khác là về tập đoàn Jean Yip chuyên tạo mẫu tóc và các trung tâm giảm cân. Ngay từ khi Jean bắt đầu làm cho công ty với vai trò thợ cắt chính, cô đã có định hướng tập trung vào việc xây dựng công ty! Song song với công tác tuyển chọn thợ cắt tóc và nhân viên trị liệu, cô đầu tư phần lớn thời gian của mình vào việc tạo ra hệ thống chọn lựa, tuyển dụng và đào tạo nhân viên. Cô cũng quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu và tạo ra nhiều dòng sản phẩm, mở nhiều tiệm và từng bước hoàn thiện quy trình dịch vụ. Đây là cách mà cô mở rộng kinh doanh với hơn 50 tiệm làm đẹp, trong khi nhiều doanh nhân khác cũng bắt đầu với một tiệm làm tóc tương tự như cô chỉ quanh quẩn cả đời với một cửa tiệm nho nhỏ mãi không lớn lên được.

ĐIỀU GÌ CẢN TRỞ NHIỀU NGƯỜI KHÔNG XÂY DỰNG ĐƯỢC MÔ HÌNH KINH DOANH

Thật ra, điều gì khiến cho phần lớn doanh nhân chỉ hùng hục làm việc cho công ty mà bỏ qua việc định hướng phát triển công ty? Tôi tin rằng có hai yếu tố chính: thái độ sai lầm và thiếu hụt kiến thức.

Trong quãng thời gian 5 năm ngắn ngủi, tôi và các cộng sự đã xây dựng AKLTG thành một trong những trung tâm đào tạo lớn nhất và đa dạng nhất trong khu vực với hơn 100 nhân viên. Ngược lại, phần lớn đối thủ của tôi chỉ lèo tèo có từ một đến năm nhân viên, dù họ có thâm niên trong ngành hơn hẳn tôi. Vậy thì điều gì cản trở họ phát triển kinh doanh? Tôi phát hiện ra rằng trên đời có nhiều người thích ôm đồm mọi việc hơn bạn tưởng. Họ đinh ninh rằng “ngoài mình ra chẳng ai làm tốt được việc này”, rằng “chẳng tin ai được, nếu muốn mọi việc suôn sẻ, mình phải tự tay làm thôi”, rằng “nếu tôi rút ruột truyền nghề cho nhân viên, nhỡ gặp kẻ xấu bụng học được nghề rồi lại xin nghỉ và cướp đi khách hàng của tôi thì sao”. Chính những lo ngại và tầm nhìn thiển cận này đã khiến họ phải gồng mình lên đèo bòng hết mọi việc (cả huấn luyện và đứng lớp giảng dạy), thay vì tập trung xây dựng hệ thống và thuê các chuyên viên đảm nhiệm những công việc hoạt động. Vì thiếu lòng tin và mang tâm lý không dám chia sẻ, cuối cùng họ tự trói mình vào guồng máy không dứt ra được.Điều này đúng với tất cả mọi ngành nghề. Tôi có một người bạn là chuyên gia dinh dưỡng. Nhờ khả năng tạo ra những thực đơn giảm cân phù hợp và mối quan hệ thân thiết với khách hàng, cô có nguồn thu nhập ổn định. Nhưng năm này qua tháng khác, cô bị dính chặt với công kia việc nọ, nên doanh nghiệp của cô không thể lớn nhanh đúng với tiềm năng phát triển của nó. Cứ cái đà này, tôi biết cô sẽ không có ngày nghỉ ngơi. Cô tin rằng chỉ mình cô mới có thể khiến khách hàng hài lòng, và rằng không ai có thể thay cô làm tốt việc này. Ngoài ra, cô không có kiến thức và khả năng hệ thống hóa cơ cấu và hoạt động của công ty cũng như huấn luyện người khác làm tốt như mình. Chắc chắn cô rất giỏi về chuyên môn nhưng lại không phải là một doanh nhân thật sự mà chỉ là chuyên viên làm thuê cho chính mình

Bạn thấy đó, bạn phải bắt đầu với cách nghĩ rằng bạn sẽ gây dựng một công ty có thể cho ra kết quả đồng nhất, cho dù bạn có trực tiếp làm hay không. Hãy hình dung công ty như cái máy in tiền. Nhiệm vụ của bạn là làm sao sản xuất ra nhiều cái máy như thế để đem bán cho bất kỳ ai và mang lại cho bạn một nguồn thu ổn định. Trong phần còn lại của chương này, tôi sẽ giới thiệu đến bạn cách thức xây dựng mô hình chiếc máy in tiền này: gọi là quy trình phát triển công ty

Xem thêm
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x