NHỮNG Ý TƯỞNG KINH DOANH MANG LẠI HÀNG TRIỆU ĐÔ
Những ý tưởng kinh doanh
Câu hỏi đầu tiên và thông thường nhất của những người muốn bắt đầu mở kinh doanh riêng là: “Tôi nên bước chân vào lĩnh vực gì?”, “Nên bắt đầu với loại hình kinh doanh nào?”, “Ngành nào hiện nay đang “hot” nhất?”, “Ngành mà tôi có cơ hội thành công cao là gì?”.
Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu về một vài quan niệm sai lầm khiến ta có thể thấy trước tương lai của nhiều công ty lọt vào danh sách 80% phá sản trong 5 năm đầu.
NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ Ý TƯỞNG KINH DOANH
1. Tìm và đón đầu xu hướng mới nhất trên thị trường?
Trong khi đi tìm câu trả lời cho những băn khoăn trên, nhiều người chăm chăm bắt mạch cho xu hướng mới nhất và cố gắng chạy theo đám đông để có được một phần trong miếng bánh, một cách nhanh chóng. Họ luôn miệng hỏi: “Lúc này thiên hạ kiếm được tiền ở đâu vậy? Cho tôi tham gia với!”. Vấn đề là ở chỗ, việc chạy theo những xu hướng mới như trà sữa trân châu, bánh ngọt, café thời thượng hay spa thường là những khuynh hướng nhất thời.
Khi bạn muốn nhảy vào thì cũng có nhiều người khác muốn nhảy theo. Hiển nhiên, các công ty kinh doanh theo thời cuộc sẽ mọc lên như búp mùa xuân, làm giá bán giảm xuống và miếng bánh bị chia nhỏ cho tất cả mọi người sẽ teo lại nhanh chóng. Thói thường hôm nay người ta thích trà trân châu, ngày mai họ lại thích trà sữa “hải cẩu” (tôi nói đùa thôi, nhưng biết đâu sẽ có một lúc nào đó trà sữa “hải cẩu” ra đời). Khi cơn sốt qua đi, nhu cầu sẽ giảm hẳn xuống và những doanh nghiệp không có lợi thế cạnh tranh sẽ mắc kẹt với ngân hàng vì những khoản nợ. Và vào một ngày không đẹp trời, họ đành phải hạ biển hiệu xuống.
2. Hy vọng tạo ra sản phẩm mang tính đột phá? Nhiều người nghĩ rằng cách tốt nhất để bắt đầu kinh doanh thành công là tạo ra một sản phẩm mang tính cách mạng và khai phá thị trường mới cho nó. Sự thật, phần lớn công ty bắt đầu bằng sản phẩm mang tính đổi mới như vậy thường thất bại!
Lý do cơ bản, tạo thị trường mới cho một cái gì chưa tồn tại là điều cực khó. Nó đòi hỏi nhiều thời gian và hàng núi tiền tung vào quảng cáo để thuyết phục khách hàng mua cái thứ mà họ còn chưa biết là gì và cũng không chắc mình có cần tới hay không. Trong lúc ý tưởng của bạn còn loay hoay định hình và đi đến chỗ được người tiêu dùng chấp nhận thì đã có những đối thủ ma lanh phục sẵn ở đâu đó, rút kinh nghiệm từ những bước đi dọ dẫm đầy sai lầm của bạn mà tung ra sản phẩm tốt hơn hẳn để chiếm trọn thị phần và lợi nhuận.
Công ty cho ra mắt băng video đầu tiên (Betamax) thất bại. Chính sản phẩm đời sau VHS mới thành công và trở thành sản phẩm tiêu chuẩn. Công ty sáng tạo ra công cụ tìm kiếm trên mạng (Alta Vista) cũng chẳng được hưởng lợi gì nhiều trong những khai phá ban đầu của mình. Chỉ sau đó những công ty non trẻ nhưng nhanh nhạy như Yahoo! và Google mới trở thành người chiếm lĩnh thị trường. Công ty giới thiệu chiếc máy vi tính cá nhân (PC) đầu tiên (Commodore) cũng chỉ thành công rất khiêm tốn. Chính IBM và Apple (xuất hiện sau này) mới làm cho máy vi tính trở thành sản phẩm thương mại thành công.
3. Tạo ra một sản phẩm “cách mạng” hay “cách mạng hóa” một sản phẩm thông thường?
Sau nhiều quan sát và nghiên cứu, tôi nghiệm ra rằng những công ty thành công trong một lĩnh vực nào đó thường không phải là doanh nghiệp đầu tiên bắt đầu xu hướng mới hay giới thiệu sản phẩm mang tính đột phá. Tỉ lệ người đi tiên phong trở thành người dẫn đầu trong thị trường thường rất thấp. Trong thực tế, những doanh nghiệp thành công thường thuộc về những doanh nhân tham gia vào những ngành tồn tại từ lâu đời, cung cấp những sản phẩm quen thuộc (có vẻ thông thường) nhưng cần thiết; chẳng hạn thực phẩm, bất động sản, sức khỏe, giáo dục, quần áo và giải trí.Điều cơ bản khiến cho những công ty này thành công là vì họ tạo ra được những sản phẩm hoặc dịch vụ tốt hơn hoặc tìm được cách hay hơn để vận hành công ty so với đối thủ!
Tóm lại, thay cho việc tìm kiếm và phát triển một sản phẩm mới mẻ và hy vọng tạo ra nhu cầu tiêu thụ nó, sẽ đơn giản hơn nhiều và cũng dễ thắng lợi hơn nếu bạn khai thác những sản phẩm đã có mặt trên thị trường, cải tiến mẫu mã và chất lượng tốt hơn để tăng sức cạnh tranh.
Nhìn lại lịch sử, McDonald’s không phải là doanh nghiệp đầu tiên phát minh ra hamburger, nhưng họ chứ không phải ai khác là người xây dựng chuỗi cửa hàng hamburger lớn nhất và thành công nhất thế giới. Subway không sáng tạo ra bánh mì sandwich, nhưng họ bán được nhiều bánh sandwich nhất. Google không phát minh ra công cụ tìm kiếm, nhưng họ là người thành công nhất ngày nay. Cả IBM, Apple lẫn Dell không đều phải là cha đẻ ra máy vi tính, nhưng họ là những công ty máy tính thành công nhất trên toàn cầu. Federal Express (FedEx) không phải là doanh nghiệp đầu tiên nghĩ ra dịch vụ đưa thư, nhưng họ là công ty có dịch vụ giao nhận thư thành công nhất ngày nay. Và danh sách này cứ dài ra mãi.
Bạn có thể tạo ra doanh nghiệp hàng triệu đô ở bất kỳ ngành nào… miễn là bạn nằm trong tốp dẫn đầu!
Cá nhân tôi tin rằng bạn có thể đạt được thành công rực rỡ ở bất kỳ ngành nào đang hiện hữu nếu thỏa mãn một điều kiện duy nhất: doanh nghiệp của bạn phải nằm trong tốp dẫn đầu ngành đó! Điều đó có nghĩa là bạn phải có những sản phẩm hoặc dịch vụ tốt nhất, có đội ngũ bán hàng giỏi nhất, có chiến lược tiếp thị cừ nhất, có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp nhất, có hệ thống quản lý tài chính hoàn thiện nhất và bộ máy hoạt động tốt nhất.
Sở dĩ tôi dám nói thế là vì tôi đã quan sát và rút ra kết luận rằng trong bất kỳ ngành nào, dù là kinh doanh nhà hàng, bán lẻ, giáo dục, v.v…, thì cũng chỉ có một nhóm khoảng 10% những doanh nghiệp hàng đầu chia sẻ với nhau thành công và miếng bánh to nhất trong ngành. 30% doanh nghiệp tiếp theo chỉ lấy công làm lời hoặc lấy thu bù chi, 60% các doanh nghiệp còn lại ở trong tình trạng ngắc ngoải thu không bù chi và chẳng tồn tại được bao lâu.
Những ý tưởng kinh doanh