6 kỹ năng kinh doanh

6 kỹ năng kinh doanh rất quan trọng mà chúng ta rất cần thiết trong cuộc sống
6 kỹ năng kinh doanha. Sáng tạo và cải tiến

Trong khi sáng tạo là một phạm trù về tư duy, nó cũng đồng thời là một kỹ năng mà bạn cần có. Bạn phải nắm được kỹ năng sáng tạo để tạo dựng tầm nhìn cho công ty và nghĩ ra những phương thức độc đáo trong kinh doanh, đó là những điểm sẽ đem lại cho bạn lợi thế cạnh tranh trên thương trường. Bạn cũng cần có những biện pháp cải tiến, đổi mới để liên tục làm mới hệ thống, sản phẩm và dịch vụ của bạn, có như thế mới mong duy trì được mức độ tăng trưởng và vị thế trên thương trường.

b. Phát triển cơ cấu tổ chức công ty Tiếp đó, bạn cần biết làm thế nào để tổ chức các bộ phận trong công ty một cách hợp lý và bố trí nhân sự vào những vị trí phù hợp. Bất cứ một công ty nào muốn thành công cũng cần phải có một cơ cấu hợp lý để chạy “chương trình” cho thông suốt. Giống như một chiếc xe hơi, các bộ phận từ con ốc nhỏ đến động cơ đều phải được đặt vào đúng chỗ để máy chạy tốt, bạn cũng cần biết cách bố trí sao cho tất cả các bộ phận (như sản xuất, tiếp thị, tổ chức và tài chính) của công ty phối hợp với nhau một cách tốt nhất để bổ sung cho nhau chứ không phải trùng lắp hoặc cản trở lẫn nhau.

c. Quản lý và phát triển nhân sự Một kỹ năng không kém phần quan trọng khác là bạn cần biết cách quản lý con người sao cho lực lượng lao động của bạn là một đội ngũ làm việc hiệu quả nhất. Con người là thứ tài sản quý giá nhất. Nắm được kỹ năng này là cơ sở cho bạn tạo ra một doanh nghiệp có thể kiếm về hàng triệu đô và mở rộng trên phạm vi toàn thế giới. Trong bài khác , bạn sẽ biết được rằng một công ty chỉ thành công khi có những con người làm việc cho nó. Nhiều người có thể làm việc một mình rất tốt, nhưng lại không nắm được cách thức tập hợp, xây dựng và mở rộng đội ngũ làm việc, vì thế công ty của họ cũng chỉ “phát triển” lên đến một mức nào đó và không thể “lớn lên” được.

d. Bán hàng và tiếp thị Trên đời có rất nhiều người cảm thấy khó khăn mỗi khi làm công tác bán hàng và tiếp thị. Họ cảm thấy ngại ngùng khi phải đề nghị người khác trả tiền cho dịch vụ hay sản phẩm của mình. Điều này đặc biệt đúng với những người có nhiều bằng cấp (hoặc nhiều chữ). Họ cho rằng chỉ những công việc trí tuệ mới là cao cấp còn công việc bán hàng là thấp kém chỉ dành cho những người “ít chữ”. Tuy vậy, nếu có một điều mà tôi biết rõ nhất trong quá trình kinh doanh và huấn luyện doanh nhân của mình thì điều đó là: nếu bạn không biết bán hàng và tiếp thị, bạn sẽ không bao giờ thành công trong kinh doanh. Tương tự, không phải công ty nào có sản phẩm tốt nhất cũng sẽ thành công trong thương trường. Thời của “hữu xạ tự nhiên hương” đã qua lâu rồi. Bên cạnh chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ, công ty nào có chiến lược bán hàng, tiếp thị, thương hiệu và khuyến mãi tốt hơn sẽ vượt lên trước. IBM trở thành công ty máy tính thành công nhất trên thế giới không phải vì máy tính của họ tốt nhất, mà bởi vì người sáng lập IBM, Tom Watson, là người bán hàng ngoại hạng, ông đã thành công trong xây dựng đội ngũ bán hàng hùng mạnh nhất lúc bấy giờ. McDonald’s không bán ra loại hamburger ngon nhất, nhưng họ bỏ xa Burger King phía sau (bánh của Burger King được đánh giá là ngon hơn) bởi vì McDonald’s có Ray Kroc, một người bán hàng siêu đẳng và ông đã thành công trong việc truyền lại kỹ năng bán hàng cho đội ngũ nhân viên. Với tư cách là chủ công ty hay CEO, bạn phải thích bán hàng và giỏi bán hàng. Nói rộng ra, điều đó có nghĩa là bạn phải có khả năng “bán” tầm nhìn của mình cho nhân viên, “bán” hình ảnh công ty cho các nhà đầu tư, “bán” thương hiệu cho khách hàng và “bán” ý tưởng cho cấp quản lý của mình

e. Quản lý tiền bạc Kỹ năng thứ 5 mà bạn phải nắm chắc là kỹ năng quản lý tiền bạc. Trong thực tế, nhiều ông chủ xem thường kỹ năng này. Nhưng đó lại là một sai lầm cơ bản dẫn đến những thất bại thảm hại. Một lần, tôi tư vấn cho một cựu giáo viên làm chủ một trung tâm chăm sóc trẻ nhỏ. Công ty của cô gặp nhiều vấn đề về tài chính. Khi tôi khuyên cô cần học cách theo dõi thu, chi, công nợ và tỉ lệ lợi nhuận hàng tuần, cô nói rằng cô không có hứng thú với những con số. Đam mê của cô là dạy Tiếng Anh, và cô không muốn mang tiếng là chạy theo đồng tiền! Thế là tôi chẳng cần úp mở làm gì, tôi nói thẳng, “Nếu cô chỉ muốn dạy học mà không phải lo lắng về vấn đề tiền bạc, tốt nhất cô nên kiếm một chân gõ đầu trẻ”. Một khi bạn quyết định làm chủ công ty, điều đó có nghĩa là bạn phải bỏ một phần lớn thời gian của mình quan tâm đến những con số. Trong khi đa số mọi người làm kinh doanh là vì đam mê chứ không phải vì tiền, thì tiền vẫn là thứ mà bạn không thể bỏ qua. Tôi biết nhiều chủ công ty quanh năm tối mắt tối mũi phục vụ khách hàng và quản lý nhân viên, mà không nhận ra rằng họ đang làm ăn thua lỗ. Chỉ đến lúc kết toán sổ sách họ mới “ngã ngửa người ra” khi thấy tiền bị mất. Hoặc một tình huống quen thuộc khác, tiền họ kiếm được chỉ trên giấy tờ chứ không có trong tài khoản, bởi vì họ xem nhẹ khâu kiểm tra sổ sách, kho bãi và theo dõi công nợ. Dù là trường hợp nào thì cũng chỉ có một kết thúc… phá sản.

f. Phát triển hệ thống hoạt động Cuối cùng, để xây dựng công ty thành công có quy mô lớn và có chân rết ở những vùng miền hay quốc gia khác, bạn phải có kỹ năng xây dựng hệ thống hoạt động sao cho sản phẩm hay dịch vụ của bạn có thể được sao chép một cách đồng nhất và phát triển ở nhiều nơi. Điều khiến những công ty như McDonald’s thành công đến vậy là vì người sáng lập Ray Kroc đã xây dựng được một hệ thống vận hành rất tốt khiến cho tất cả các cửa hàng McDonald’s dù ở bất cứ nơi đâu trên hành tinh cũng cung cấp một chất lượng dịch vụ thống nhất, hiệu quả như nhau. Ghé vào bất cứ cửa hàng McDonald’s nào, bạn cũng sẽ chứng kiến cảnh nhân viên đón chào niềm nở, cách làm khoai tây chiên trong cùng một thời lượng và cách bày trí giống nhau. Công ty của bạn chỉ thành công khi bạn có thể xây dựng được một công thức hoặc hệ thống cho phép doanh nghiệp của mình tạo ra những sản phẩm hoặc dịch vụ có chất lượng như nhau, cho dù, với tư cách là chủ, bạn có tham gia vào quá trình vận hành ấy hay không. Bằng cách này, công ty có thể mở rộng phạm vi hoạt động ra những vùng khác và nước khác, thực hiện cái mà chúng ta có thể hiểu là nhân rộng quy mô hiệu quả. Ngay cả khi những nhân viên chủ chốt của bạn ra đi (chắc chắn sẽ có lúc như vậy), công ty của bạn vẫn tiếp tục hoạt động, cung cấp cho công chúng cùng một chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Bạn có nhất thiết phải hội đủ sáu kỹ năng này không?

Liệu một người có thể sở hữu tất cả những kỹ năng này không? Cũng có một ít người giỏi tất cả những kỹ năng đó, tuy vậy trong thực tế, đa số chỉ mạnh về một số mặt nào đó. Và bạn đừng e ngại khi bạn thuộc vào số đó.

Những người thông minh nhận ra rằng họ không nhất thiết phải biết tất cả mọi thứ trên đời, những gì mà họ còn yếu và thiếu thì họ tìm cách “đứng trên vai những người khổng lồ” tức là hợp tác hoặc thuê những người giỏi nhất trong những lĩnh vực mà họ yếu về làm cho mình.

Ví dụ, sở trường của tôi chính là khả năng sáng tạo, bán hàng và tiếp thị, cũng như những kỹ năng chuyên môn trong việc huấn luyện và thiết kế các khóa học. Tôi biết rằng để AKLTG thành công và bền vững, tôi cần người có thế mạnh quản lý, phát triển mô hình và hệ thống. Đó là lý do tại sao tôi chọn Patrick Cheo (người rất giỏi những kỹ năng này) trở thành đối tác của tôi và CEO của công ty. Với sức mạnh cộng hưởng của chúng tôi, AKLTG đã tiến nhanh và vững chắc.

Microsoft thành công vượt bậc như vậy cũng là nhờ lý do tương tự. Điểm mạnh của Bill Gates nằm ở khả năng liên tục tạo ra những công nghệ đột phát trong phần mềm (cải tiến) và tạo ra tầm nhìn (sáng tạo) truyền cảm hứng cho nhân viên. Vì vậy, vai trò của ông trong công ty là Chủ tịch và Trưởng bộ phận thiết kế phần mềm. Từ những ngày đầu, Gates đã biết rằng để tầm nhìn của công ty có thể thành hiện thực, ông cần một cộng sự mạnh về quản lý, phát triển hệ thống kinh doanh và quản lý tiền. Và Steve Ballmer (CEO của Microsolf) đã thực hiện vai trò này một cách xuất sắc.

Chắc bạn đã từng nghe tới đến cái tên Walt Disney, một trong những công ty giải trí lớn nhất và thành công nhất trên thế giới? Không có gì phải nghi ngờ, khả năng sáng tạo thiên bẩm đã giúp Walt Disney cho ra đời những nhân vật huyền thoại sống mãi với thời gian như chuột Mickey và vịt Donald. Nhưng đó là thời điểm ban đầu, sau này công ty nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền hơn với những bộ phim truyền hình và công viên Disneyland. Ngày nay, tập đoàn Walt Disney trị giá 63 tỉ đô.

Bạn có nghĩ là Walt Disney hội đủ tất cả những kỹ năng cần thiết để xây dựng công ty thành công vượt bậc như vậy không? Không hề! Thật ra, tuy vượt trội về khả năng sáng tạo, Walt Disney lại thiếu đi kỹ năng quản lý, kiến thức tài chính và phát triển hệ thống cần thiết để điều hành công ty. Đó cũng là lý do tại sao trong lịch sử,

Walt Disney đã trải qua 12 lần gần phá sản rồi lại vực dậy. Chính Roy Disney (anh trai của Walt Disney) là người bù đắp những kỹ năng mà Walt thiếu để trở thành bộ đôi thành công nhất trong lịch sử.

Điều bạn cần là hiểu rõ xem mình có những kỹ năng gì và còn thiếu những kỹ năng gì. Khi ấy bạn sẽ biết mình cần học thêm và bổ sung những kỹ năng nào, tìm cộng sự mạnh về những kỹ năng mà mình chưa có hoặc còn yếu.

6 kỹ năng kinh doanh

Xem thêm
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x