Thay đổi cho mọi việc tôi phải thay đổi trước
Nếu bạn đang điều hành một công ty và gặp phải nhiều vấn đề, bạn hãy xem đó là những thử thách mà bạn phải đối mặt và vượt qua nếu muốn thấy công ty ăn nên làm ra với doanh thu và lợi nhuận tăng vọt. Bài tập kế tiếp sẽ giúp bạn làm điều này.
Trong cột đầu tiên của bảng biểu, dưới dòng “Đổ lỗi”, hãy viết ra tất cả những lý do cản trở công ty bạn đạt được mục tiêu. Trong quá khứ bạn thường viện lý do hoặc đổ lỗi cho những nguyên nhân nào về những trục trặc hoặc thất bại trong kinh doanh của mình: Nhân viên lười biếng? Đối thủ ma mãnh, sừng sỏ? Các quy định chưa hợp lý của các cơ quan chức năng? Nền kinh tế xuống dốc hay phát triển quá nhanh?
Trong cột tiếp theo, “Chịu trách nhiệm”, tôi muốn bạn viết ra cách thức bạn có thể đứng ra nhận lãnh trách nhiệm cho kết quả kinh doanh của mình. Nói cách khác, bạn đã tạo ra kết quả này từ những quyết định và hành động nào? Hãy nhớ rằng chỉ khi nào bạn thừa nhận vai trò của mình trong mọi việc, bạn mới có năng lực để thay đổi chúng.
Trong cột cuối cùng “Hành động”, hãy viết ra những gì bạn cần làm ngay để thay đổi kết quả kinh doanh. Nhưng trước khi bạn thực hiện bài tập này, cho phép tôi kể lại việc tôi đã làm gì để giúp cho một trong những khách hàng của mình vực dậy công ty đang làm ăn bết bát.
Tinh thần đứng mũi chịu sào đã giúp Alex vực dậy công ty như thế nào
Trong một khóa đào tạo về kinh doanh của tôi, một học viên đến gặp tôi cho biết, anh không thể tuyển được người giỏi về làm việc cho mình, “Nếu tôi tuyển được những người như vậy, có phải công ty tôi đã thành công hơn nhiều không!”, anh than thở.
Khi tôi hỏi thì anh giải thích kỹ hơn, rằng lúc đầu nhân viên của anh ai nấy đều rất phấn chấn, nhưng vài tháng sau họ mất dần động lực và nhiệt tình nguội lạnh. Rằng nói chung người của công ty làm việc thiếu hiệu quả, kết quả không ổn định và chỉ ngồi đó chờ chỉ thị của cấp trên. Vấn đề không dừng ở đó, anh cay đắng cho biết, mỗi khi tìm được ai đó làm việc tốt, thì chỉ vài tháng sau họ lại tấp tểnh rời bỏ công ty.
Tôi giải thích cho Alex hiểu, là người đứng đầu, anh phải chịu trách nhiệm cho hành động của nhân viên. Nếu muốn người của mình thay đổi, anh phải thay đổi trước. Như bạn có thể đoán được, nghe tôi nói thế anh lập tức giẫy nảy lên rằng sao anh lại phải chịu trách nhiệm cho đội ngũ nhân viên vừa kém cỏi vừa thiếu động lực chứ.
Để thuyết phục được Alex, tôi bắt đầu tìm hiểu cách anh điều hành công ty cũng như quản lý nhân viên để phát hiện những vấn đề mà anh vô tình tạo ra.
Hóa ra lý do khiến nhân viên có tư tưởng không ổn định và làm việc không hiệu quả là vì công ty anh không hề có quy trình tuyển chọn kỹ càng để tìm đúng người đúng việc. Alex không dành nhiều thời gian vào công đoạn tìm kiếm, phỏng vấn và kiểm tra nhân viên. Công ty anh cũng chẳng có những chuẩn mực và nội quy rõ ràng, còn công tác huấn luyện nhân viên lại bị xem nhẹ.
Lý do khiến cấp dưới của anh tỏ ra ù lỳ, thụ động là vì anh áp đặt mệnh lệnh từ trên xuống mà không chịu lắng nghe ý kiến của cấp dưới hay cho họ một mức độ quyền hạn nào đó.
Cuối cùng, sở dĩ những người giỏi thường khăn gói ra đi là vì có làm tốt mấy họ cũng chẳng được đãi ngộ hay đề bạt lên chức vụ cao hơn.
Sau nhiều lần tư vấn cho Alex, tôi đã giúp anh hiểu rằng nếu muốn thu hút và giữ chân người tài, trước hết anh phải là nhà quản lý giỏi. Anh phải tạo môi trường làm việc tốt, với những quy định rõ ràng và phần thưởng xứng đáng để khích lệ tinh thần làm việc tốt.
Alex hiểu rằng anh phải chịu trách nhiệm cho những vấn đề của công ty mình và bắt tay vào thực hiện từng bước để tạo ra một đội ngũ nhân lực giỏi. Anh rốt ráo dứt điểm những phần việc sau:
– Làm tốt công tác phỏng vấn và chọn lựa kỹ càng để tuyển được những người có đam mê, tham vọng và có động lực làm việc tốt.
– Chuẩn hóa quy trình làm việc, tạo ra môi trường làm việc tốt và thường xuyên giữ mối quan hệ hai chiều với nhân viên qua những buổi họp cũng như huấn luyện.
– Đưa ra chính sách thưởng phạt hợp lý, khuyến khích nhân viên làm việc tốt hơn mong đợi. Ví dụ: Ai có sáng kiến, đề xuất và thực hiện một dự án tốt sẽ được chia lợi nhuận theo một tỉ lệ nào đó và được thưởng theo quý.
– Tổ chức trao đổi hoặc họp mặt hàng tháng với nhân viên để hiểu rõ hơn mục tiêu, nhu cầu, những vấn đề nảy sinh trong công việc và đánh giá về cách thức thực hiện cũng như kết quả công việc của họ.
Những gì xảy ra sau những thay đổi này trên cả tuyệt vời. Thái độ và kết quả làm việc của nhân viên anh thay đổi hoàn toàn. Họ làm việc nhiệt tình hơn, hiệu quả hơn và cũng năng động hơn. Tiếng lành đồn xa, nhiều người giỏi đến đầu quân cho công ty anh hơn. Nhờ vậy mà mức độ hài lòng của khách hàng và doanh thu công ty anh được nâng cao lên rất nhiều.
Bây giờ bạn hãy dành một khoảng thời gian thích hợp để hoàn thành bài tập này, bạn nhé. Bạn đã làm xong bài tập ở trên chưa? Tốt lắm! Trước khi bắt đầu phần tiếp theo, bạn hãy xem qua cách làm bài tập này của một trong những học viên của tôi.
Thay đổi cho mọi việc