Những sóng gió trong cuộc đời

Những sóng gió trong cuộc đời sẽ làm bạn trưởng thành hơn về mọi mặt
Những sóng gió trong cuộc đời

Đối mặt với thử thách lần thứ nhất:  khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại, thị trường chứng khoán và bất động sản bắt đầu bùng nổ. Nếu nền kinh tế suy thoái kèm theo thất nghiệp, giảm lương, thì vào giai đoạn phục hồi kinh tế, thị trường lao động trở nên khan hiếm và nhu cầu về nhân lực tăng cao, lương bổng cũng tăng theo. Bạn nghĩ xem chuyện gì xảy ra với chúng tôi? Lượng người đăng ký vào chương trình “Những Mô Thức Thành Công” bắt đầu giảm rõ rệt.

Thiên hạ bận rộn với những cơ hội việc làm nên không còn thời gian tham gia một chương trình kéo dài 4 ngày nữa. Còn một lý do khác, nhiều công ty bung ra kinh doanh, nhân lực thiếu, nên chẳng cần phải mài dũa kỹ năng của mình, mọi người vẫn dễ dàng kiếm được việc với đồng lương kha khá; vì thế nhiều người nghĩ chẳng cần nhọc công đi học làm gì. Khi công việc trở nên dễ kiếm hơn, “Những Mô Thức Thành Công” dường như bị loại khỏi danh sách những việc cần làm ngay.

Bạn nghĩ sao, tôi chọn cách đổ lỗi cho nền kinh tế khởi sắc, thu nhập của người lao động tăng và lịch làm việc bận rộn của khách hàng nên khóa học của mình vắng khách chăng? Một lần nữa, làm như vậy cũng không thể khiến doanh số và lợi nhuận của công ty tăng lên!

Thay vì thế, tôi quyết định đứng ra chịu trách nhiệm rằng chương trình mà tôi đưa ra không còn phù hợp nữa. Cần phải tạo ra một chương trình mới thích ứng hơn với bối cảnh hiện tại. Bởi vì thị trường chứng khoán đang bùng nổ, thiên hạ dồn tiền vào đầu tư ở kênh này, tôi tính toán rằng thay cho nội dung phát triển bản thân, tôi nên cung cấp các chương trình dạy người ta cách quản lý tài chính cá nhân và các hạng mục đầu tư.

Và ý tưởng về một sự thay đổi đã được đền bù hậu hĩnh. Các chương trình có tên như “Wealth Academy” (Khóa học làm giàu), “Wealth Academy Trader” (Khóa học đầu tư chứng khoán), “Wealth Academy Forex” (Khóa học kinh doanh ngoại hối) và “Wealth Academy Options” (Khóa học kinh doanh quyền chọn) rất hút khách, đem lại nguồn doanh thu cao hơn 80 lần so với chương trình “Những Mô Thức Thành Công”! Nếu tôi đổ lỗi cho những lý do bên ngoài và không nhận trách nghiệm cá nhân, hẳn công ty chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội để tăng doanh thu và lợi nhuận lên mấy chục lần như vậy. Và chúng tôi chắc hẳn vẫn mắc kẹt với một chương trình rất hay nhưng không còn sinh lợi được nữa.

Sóng gió tiếp theo: Đối mặt với thử thách lần thứ hai

Cho phép tôi chia sẻ với bạn một thử thách khác mà tôi đã vượt qua. Trong vòng nhiều năm, chúng tôi tổ chức hai chương trình thành công vượt bậc và có tiếng vang ra ngoài biên giới Singapore, đó là các chương trình mang tên: “Thiếu Nhi Siêu Đẳng” (Super Kids) và “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!” (I Am Gifted, So Are You!) cho học sinh Singapore vào các dịp hè. Ở Singapore, học sinh được nghỉ hai đợt vào tháng 6 và tháng 12. Nhìn chung, các bậc phụ huynh sẵn lòng gửi con em mình đi học chương trình 4 ngày nhằm giúp cải thiện thái độ và kết quả học tập của chúng. Thật là nhất cử lưỡng tiện, con em họ vừa có những hoạt động bổ ích để khỏi sa vào những trò chơi vô bổ thậm chí có hại trong dịp hè lại vừa có động lực học tập tốt hơn. Chính vì vậy, thị trường cho các chương trình này phát triển mạnh và mang lại nhiều lợi nhuận.

Vài năm trôi qua, nhiều trường có động thái đứng ra tự tổ chức những hoạt động hè cho học sinh của mình. Cảnh học sinh tấp nập đến trường vào những ngày hè không còn lạ lẫm nữa. Thôi thì có đủ các loại hoạt động cho các em tham gia: trang điểm, thi đấu thể thao, sinh hoạt câu lạc bộ, các chương trình bồi dưỡng, đi tham quan, v.v… Sự thay đổi này có ảnh hưởng tới các chương trình hè của chúng tôi không? Dĩ nhiên, rất nhiều nữa là đằng khác! Giờ đây, phụ huynh cảm thấy khó mà gửi con đi học chương trình 4 ngày của chúng tôi, vì con cái họ phải tham gia các hoạt động gắn với nhà trường. Điều này cũng tác động trực tiếp đến “cần câu cơm” của các đối thủ cạnh tranh với tôi, buộc họ phải thu nhỏ quy mô kinh doanh và mất khá nhiều tiền. Nhiều công ty còn phải đóng cửa. Đoán xem phần lớn chủ công ty này phản ứng như thế nào trước sự việc này? Họ đổ lỗi cho “ông nhà trường” đã đứng ra tổ chức những hoạt động hè và giết chết các khóa học bổ trợ của họ.

Riêng tôi đã thấm nhuần bài học rằng để thành công, bạn phải nhận lãnh trách nhiệm trong tất cả mọi việc, rằng thị trường chưa hiểu rõ về sự độc đáo trong chương trình của tôi. Thay vì hậm hực với “ông nhà trường”, tôi quyết định lập ra bộ phận chịu trách nhiệm làm việc với các trường, đến gõ cửa từng trường để giới thiệu chương trình của mình.

Vì nhiều trường học muốn học sinh của mình tham gia các chương trình đào tạo kỹ năng sống cao cấp hơn nên công ty tôi có thể là đơn vị “thầu” dạy chương trình này thay cho họ. Một lần nữa, đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Trong vòng vài năm, chúng tôi đã chiếm lĩnh thị phần rất tốt. Hiện tại, cứ ba trường ở Singapore thì có một trường đưa chương trình của tôi vào trường của họ. Chưa hết, doanh thu tạo ra từ sự chuyển hướng này còn cao hơn nhiều so với con số ban đầu. Từ con số đào tạo khoảng 2.000 học sinh ở Singapore một năm, nay chúng tôi đã huấn luyện cho hơn 36.000 học sinh hàng năm thông qua việc hợp tác với các trường học.

Một lần nữa, tôi xin nhấn mạnh rằng, thành công của một doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định và hành động của BẠN (với tư cách người chủ hay người lãnh đạo cao nhất). Thế nên sẽ chỉ mất thời gian và chẳng có ích lợi gì nếu mất công đi tìm lý do bên ngoài cho kết quả kinh doanh của bạn.

Xem thêm
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x