Tinh thần chịu trách nhiệm

Tinh thần chịu trách nhiệm mang đến cho bạn sức mạnh và quyền kiểm soát
Tinh thần chịu trách nhiệm

Có phải nhiều doanh nhân thành đạt là bởi vì họ gom đủ ba yếu tố: thiên thời – địa lợi – nhân hòa hay nói cách khác là mọi việc đều xảy ra đúng như ý họ? Có đúng là những doanh nghiệp thành công là do họ bắt đầu vào lúc nền kinh tế đang lên, ngành mà họ tham gia đang bùng nổ hay nước nhà đang thịnh vượng? Có phải các đại gia đều bắt đầu với số vốn khổng lồ, may mắn tuyển được đội ngũ nhân viên năng động sáng tạo? Có phải họ đều có ngôi sao chiếu mệnh tốt? Chúng ta đều biết rằng câu trả lời đúng cho những câu hỏi trên là “KHÔNG”.

Trái lại là khác, câu chuyện về đa số những công ty thành công nhất và bền vững nhất đều có một điểm chung: ai cũng phải trải qua giai đoạn “khởi đầu nan” hết sức thử thách, và chỉ những ai vượt qua được tất cả các chướng ngại vật mới về đích được.

Khi Soichiro Honda bắt đầu công ty mang tên ông (Honda) sau Thế chiến thứ hai, nước Nhật đang ở vào thời điểm tồi tệ nhất sau khi thất trận, còn nhà máy của ông thì bị trúng bom tới hai lần. Vài năm sau, khi mới kịp hồi phục lại, nhà máy của ông bị phá hủy lần thứ ba vì… động đất.

Khi Fred Smith bắt đầu công ty chuyển phát nhanh Federal Express (FedEx), các công ty tài chính đe dọa tịch thu những chiếc máy bay vận tải của ông để xiết nợ, vì ông không có tiền trả góp.

Thật ra, trong nguy có cơ. Khủng hoảng kinh tế cũng có thể là cơ hội cho những công ty khỏe mạnh có sức bật ra đời nhằm đứng ra giải quyết một vấn đề hay đáp ứng một nhu cầu nào đó. Khi Richard Branson bắt tay vào xây dựng công ty hàng không, ai nấy đều bảo ông rằng, ngành này đang thất thế và phần lớn công ty kinh doanh vận tải hàng không đều thua lỗ. Nhưng Virgin Airlines của ông lại là con gà đẻ trứng vàng, dù sinh sau đẻ muộn nó vẫn đủ sức giành giật thị phần từ tay người khổng lồ đang dẫn đầu thị trường lúc đó là British Airways.

Trong khi ngành xiếc đang ở thời điểm thoái trào và phần lớn các đoàn xiếc đều thua lỗ buộc phải đóng cửa thì Circus De Sol lại có một thời kỳ phồn thịnh nhất, với mức tăng trưởng mạnh nhất trong lịch sử công ty.

Bản thân đối tác của chúng tôi là TGM cũng phát triển mạnh mẽ ở hai lãnh vực xuất bản và đào tạo tại Việt Nam, trong khi hai lãnh vực này được xem là đang tiến gần đến bão hòa cũng như gặp nhiều khó khăn trong năm 2009.

Sao lại có những người lội ngược dòng thành công như vậy? Đó là vì họ là những người không cho phép bất cứ ai hoặc bất kỳ tình huống khách quan nào kiểm soát số phận của mình. Chính lối suy nghĩ và hành động như thế cho phép họ có được sức mạnh xoay chuyển tình thế và đạt kết quả tốt. Nếu có điều gì không ổn với doanh nghiệp thì vấn đề xuất phát từ người lãnh đạo

Chủ của những doanh nghiệp thành công cho rằng nếu có vấn đề nảy sinh trong công ty thì đó là vì họ làm một việc gì đó chưa đúng cách. Họ tin rằng mình là người kiểm soát 100% sự thành công và lợi nhuận của công ty.

Họ biết rằng nếu có vấn đề gì đó với khách hàng thì đó là vì họ chưa biết cách quản lý và chăm sóc khách hàng; rằng doanh thu giảm sút là do họ chưa biết tiếp thị đúng cách; nếu có trục trặc về tiền bạc là vì họ chưa hiểu rõ về tài chính. Tương tự, nếu có vấn đề nảy sinh trong hoạt động của công ty là do họ lãnh đạo và huấn luyến đội ngũ quản lý điều hành chưa tốt.

Nếu vấn đề thuộc về nhân sự thì là do họ chưa làm tốt khâu tuyển dụng, đào tạo và đãi ngộ nhân viên. Bằng cách chịu toàn bộ trách nhiệm cho việc làm của mình, bạn lấy lại quyền chủ động, rằng bạn chứ không phải ai khác là người tạo ra kết quả, dù trực tiếp hay gián tiếp. Điều đó có nghĩa là bạn có năng lực để thay đổi nó. Người với tư duy làm chủ có niềm tin không lay chuyển rằng, “Để thay đổi thế giới, tôi phải thay đổi trước”.

Tôi đã chịu trách nhiệm 100% cho kết quả của mình và thay đổi vận mệnh như thế nào

Tôi muốn kể cho bạn nghe một câu chuyện đã xảy ra với tôi. Năm 2002, tôi bắt đầu phổ biến khóa học có tên “Những Mô Thức Thành Công” ( Patterns of Excellence – POE), do tôi và đối tác Stuart Tan cùng thiết kế và phát triển. Đây là một chương trình phát triển bản thân, dùng những kiến thức về Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy (NLP) giúp người học phát triển năng lực tư duy, khả năng giao tiếp để đạt được thành công mong muốn. Chương trình tung ra đúng vào thời điểm kinh tế khó khăn và nhiều người có nhu cầu cải thiện kỹ năng của mình để tăng tính cạnh tranh trong công việc. Trong giai đoạn khó khăn, khủng hoảng dường như người ta rất cần những khóa huấn luyện như “Những Mô Thức Thành Công” để tạo cho họ động lực và lòng tự tin nhằm vượt qua thử thách trước mắt.

Tính thì tính như thế, nhưng trong buổi giới thiệu đầu tiên về khóa học, chúng tôi đã thất bại thảm hại. Với chi phí 6.000 đô cho quảng cáo và 600 đô thuê địa điểm nói chuyện, chúng tôi chỉ có đúng một người đăng ký (trong số 120 khách hàng tiềm năng tham dự buổi nói chuyện miễn phí).

Sau kinh nghiệm ê chề này, tôi chủ trì một buổi họp, trong đó tôi khuyến khích tất cả nhân viên nêu ra những lý do khiến khách hàng ngoảnh mặt lại với chương trình. Nhiều ý kiến đưa ra. Có người nói, “Do suy thoái, thời buổi khó khăn làm gì có ai dám bỏ ra 2.000 đô cho một cho khóa học cơ chứ”. Lại có ý kiến, “Đó là vì sếp trẻ quá (lúc ấy tôi mới 28 tuổi). Trong khi phần lớn cử tọa đều trong độ tuổi 30 đến 40, họ không nghĩ là sếp có đủ kinh nghiệm”. Cũng có người nghĩ rằng, có thể vì chúng tôi không chọn ngày hoàng đạo nên gặp xui xẻo.

Nhưng tôi không thể chấp nhận những lý do như thế, đối với tôi, đó chỉ thuần túy là những lời bào chữa vụng về cho thất bại của chính mình. Rõ ràng tôi không thể làm cho mình già đi hoặc thay đổi nền kinh tế hoặc năn nỉ để ngôi sao may mắn chiếu về phía mình. Tại sao lại tập trung vào những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn? Làm như thế chỉ mang đến cảm giác mình là kẻ vô dụng, bất lực như một con rối trong tay kẻ khác.

Thay vì thế, tôi đi đến kết luận lý do khiến 119 người kia không đăng ký học là vì cách tôi trình bày chương trình chưa đạt, chưa khiến cho họ thấy chương trình này hữu ích với họ như thế nào. Tôi nhận lãnh toàn bộ trách nghiệm cho thất bại đau đớn này. Sau khi lấy thông tin phản hồi từ khách hàng, tôi tìm ra ba lý do chính khiến họ không ghi danh vào khóa học. Một là, tôi chưa làm cho khách hàng cảm thấy nhu cầu bức thiết phải nâng cấp kỹ năng của bản thân. Hai là, họ có nỗi e ngại mơ hồ rằng chương trình sẽ không có tác dụng với họ. Và cuối cùng, tôi chưa chứng minh được những phương pháp giới thiệu trong khóa học sẽ mang lại lợi ích cho họ.

Với cách nghĩ như vậy, tôi quyết định thay đổi nội dung bài thuyết trình, chi thêm tiền cho quảng cáo và tổ chức một buổi nói chuyện miễn phí khác. Lần này, tôi tập trung giải thích tại sao các phương pháp Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy (NLP) có thể giúp họ tăng cường giá trị lao động của bản thân, khiến họ có kỹ năng giao tiếp hiệu quả hơn và dẫn đến việc gia tăng thu nhập. Tôi loại bỏ mối nghi ngờ về chất lượng chương trình bằng lời cam đoan sẽ hoàn tiền 100% nếu họ không hài lòng với khóa học và tạo cảm giác “gấp rút” bằng món quà trị giá 500 đô nếu họ đăng ký ngay lập tức. Lần này, có 13 trong số 100 người nghe đăng ký, tỉ lệ tỉ lệ thành công là 13%. Tôi tiếp tục hoàn thiện “chiêu thức” bán hàng của mình, lượng người đăng ký tăng lên, tới thời điểm tổ chức chương trình đầu tiên đã có 50 người tham gia. Từ đó đến nay, đã có hàng ngàn người tham dự chương trình thay đổi cuộc sống này

Xem thêm
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x