Thất bại là mẹ thành công

Thất bại là mẹ thành công
Thất bại là mẹ thành công

Thật không may, trở ngại lớn nhất trên con đường kinh doanh của mọi người – dù là bắt đầu một công ty mới, sáng tạo một sản phẩm mới hay bước vào một thị trường mới – chính là nỗi sợ thất bại. Bên cạnh đó, tâm lý thất vọng và bất lực khi đối mặt với những sai lầm chính là “gót chân Achilles” của đa số các doanh nhân.

Trong khi đó, những lần thất bại, những lúc thoái trào, những nỗi thất vọng lại chính là những trở ngại buộc phải trải qua trong quá trình kinh doanh và làm giàu của doanh nhân, ví như việc một con bướm để có bộ cánh rực rỡ sắc màu nhất định phải trải qua giai đoạn làm một con sâu xấu xí vậy. Quá trình xây dựng bất kỳ công ty thành công nào thật ra là một quá trình kinh qua những thất bại, sai lầm, những lần bị từ chối phũ phàng và những thất vọng ê chề. Thử hỏi trên đời có mấy khi mọi việc diễn ra như mong đợi? Trên quãng đường ấy, những ai mang căn bệnh sợ thất bại sẽ rơi rụng hết, chỉ còn lại những người có tinh thần lạc quan, tự tin khi đối đầu với khó khăn thử thách. Đó là những người biến những việc bất như ý, những thất vọng thành bàn đạp cho sự thay đổi chiến thuật và củng cố sức mạnh của mình.

Đây chính là lý do tại sao nhiều người – được lập trình theo lối suy nghĩ một chiều, thường vớ ngay lấy câu trả lời có sẵn và chỉ chờ đợi kết quả tốt nhất – thường thất bại trong kinh doanh. Một lần tôi đọc một bài báo nói về một thủ khoa ở một trường phổ thông. Cô bé đã khóc khi chỉ đạt được bảy điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp. Cô thất vọng vì thiếu… điểm 10 thứ tám, cô không thật sự hoàn hảo trong hồ sơ xin cấp học bổng mà cô nhắm tới.

Đọc xong bài báo đó, tôi cảm thấy tội nghiệp cho cô bé. Không phải vì cô không đạt đủ tám điểm 10 một cách trọn vẹn, mà bởi vì tôi biết rằng nếu vào lúc này, cô không chịu nổi sự bất toàn nho nhỏ đó, thì mai này cô sẽ khó thành công trong bất kỳ nghề nghiệp nào mà cô lựa chọn.

Mong manh, yếu ớt như thế, cô sẽ dễ gục ngã trước những thất bại và thất vọng lớn hơn trước khi về đích thành công.

Tôi tin rằng, để thành công trong bất cứ việc gì, đầu tiên ta phải dám chấp nhận khả năng có thể phải nếm trải những quả đắng của thất bại, lầm lỡ, đổ bể,… Thành công không bao giờ là một đại lộ thẳng tắp rợp bóng những hàng cây. Nếu biểu diễn trên đồ thị thì đó là con đường răng cưa trồi lên sụt xuống đầy kịch tính. Đúng thế, chặng đường đi tới thành công bao giờ cũng ngoằn ngoèo, khúc khuỷu với bao nhiêu chướng ngại và bạn với tư cách là người bộ hành vừa mới vượt qua được đỉnh núi này thì đã thấy trước mặt ngọn núi khác sừng sững hiện lên. Tiểu sử của hầu hết các doanh nhân thành đạt (trong đó có tôi) cho thấy những thăng trầm và không ít lần thất bại cay đắng trước khi họ đạt được giấc mơ của mình. Chúng ta hãy cùng điểm qua.

Trong quá trình gây dựng công ty Disney, Walt Disney đã đến mức gần phá sản tổng cộng 12 lần để cuối cùng xây dựng được một trong những công ty giải trí lớn nhất và thành công nhất trong lịch sử. Donald Trump từng hai lần đứng bên bờ vực phá sản trong ngành kinh doanh mà ông giỏi nhất là bất động sản trước khi đạt đến danh hiệu ông vua bất động sản và danh tiếng như bây giờ. (Ông cũng là chủ chương trình “Người tập sự” (The Apprentice) nổi tiếng trên toàn thế giới.)

Lim Tow Yong, người sáng lập ra Emporium tuyên bố phá sản ở tuổi 72 với món nợ lên đến hàng triệu đô. Nhưng ông không chịu “bó tay” ở cái tuổi thất thập cổ lai hy mà lập ra một công ty khác và dựng lại cơ nghiệp của mình ở tuổi… 82.

Khi Sim Wong Hoo lập ra Creative Technologies thì sản phẩm đầu tiên của ông, Cubic 99, là một thất bại lớn, tiếp theo là một chuỗi những thất bại khác. Nhưng chính nhờ rút ra kinh nghiệm ở những lần thất bại đó mà sản phẩm Sound Blaster thành công như một hiện tượng giúp công ty ông kiếm được hàng tỉ đô.

9 năm sau khi Steve Jobs bắt đầu và xây dựng công ty Apple vang danh bốn biển, ông bị đẩy ra khỏi con thuyền mà chính ông xây dựng và làm cho nó lớn mạnh. Chưa dừng lại ở đó, công ty tiếp theo mà ông sáng lập (NeXT Computers) lại là một thất bại thảm hại khác. Nhưng rồi Pixar của ông ra đời (hiện là hãng phim hoạt hình thành công nhất thế giới) giúp ông như một người hùng quay trở lại vực dậy Apple đang trên bờ vực phá sản, làm cho nó trở thành một trong ít doanh nghiệp công nghệ thông tin thành công nhất hành tinh. Danh sách những người biến thất bại ban đầu thành thành công chung cuộc còn kéo dài ra mãi…

Tại sao thất bại lại là mẹ thành công

Câu hỏi đặt ra là tại sao phần lớn doanh nhân có được thành công hôm nay đều kinh qua chuỗi thất bại trước đó? Tôi tin rằng, để thành công trong kinh doanh, bạn phải trải qua những bài học và kinh nghiệm đau thương, tựa như để có những hạt gạo trắng ngần phải trải qua quá trình xay xát đau đớn vậy.

Trong thế giới kinh doanh, những bài học như vậy không đến từ sách vở (như trong trường học) mà là những kinh nghiệm thất bại ngoài đời. Khi thất bại trong một việc gì đó, chúng ta sẽ biết được cái gì làm được, cái gì không làm được. Liên tục học hỏi và rút kinh nghiệm từ những gì không hiệu quả và thay đổi chiến lược, cuối cùng chúng ta sẽ đi đến thành công.

Suy cho cùng, thành công xuất phát từ quá trình liên tục điều chỉnh, sửa chữa để có những phương pháp và quyết định đúng đắn. Một quyết định đúng chỉ đến từ những gì mà chúng ta thật sự trải qua. Và kinh nghiệm quý giá nhất, kỳ lạ thay, thường tới từ những quyết định sai lầm… và bạn phải trả giá!

Tất nhiên, bao giờ cũng có những việc chúng ta có thể làm để giảm thiểu những sai lầm và thất bại. Đó là lý do tại sao tôi viết quyển sách này. Đó cũng là lý do tại sao việc nghiên cứu hồi ký và tự truyện của những doanh nhân huyền thoại lại quan trọng đến vậy. Bởi vì khi nhìn lại chặng đường gập ghềnh đi tới thành công, họ sẽ tổng kết những kinh nghiệm, thất bại, sai lầm và hướng dẫn bạn cách tránh những cái hố đó. Tuy vậy, dù bạn học được bao nhiêu từ sách vở và người khác thì không bài học nào thiết thực hơn bài học từ chính thực tế kinh doanh và “lao” vào cuộc của bạn. Đó là cái mà ông bà ta gọi là trường đời.

Bí quyết để vượt qua thất bại và thất vọng

Vậy những doanh nhân thành công đã “chuẩn bị” cho mình như thế nào để đối mặt với những thất bại và sai lầm của chính mình? Họ là những người sinh ra đã đầy bản lĩnh, không biết sợ, không sứt mẻ một chút niềm tin vào mình, hay không bao giờ buồn bã trước những thất bại ư? Tất nhiên là không có chuyện như thế! Thất bại là một nỗi đau và là người ai cũng biết đau và sợ đau. Khác biệt là ở chỗ họ học được cách tiếp cận vấn đề một cách đúng đắn.

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi có thể nói với bạn rằng doanh nhân cũng sợ thất bại như tất cả mọi người, có khi còn sợ hơn vì họ đã đầu tư, đôi khi cả cuộc sống của mình vào đó. Họ cũng cảm thấy nỗi thúc bách muốn bỏ chạy khi gặp khó khăn. Khác biệt là ở chỗ họ có cách định nghĩa riêng về thất bại.

Trong khi những người bình thường định nghĩa thất bại là khi mình không có được kết quả như mong muốn; rồi để cảm giác tồi tệ và sợ hãi đến mức “cạch đến già” ngự trị trong lòng mà không dám đặt ra một mục tiêu nào nữa, cũng giống như cô bé thủ khoa, cho rằng mình thất bại khi chỉ đạt được bảy điểm 10 chứ không phải cả tám. Nếu tôi cũng định nghĩa thất bại theo cách ấy, chắn chắn tôi sẽ không có đủ dũng khí để tiếp tục làm việc và đưa ra phương pháp mới dẫn dắt công ty đến vị trí như ngày hôm nay. Chắc hẳn tôi đã cảm thấy “thua đứt đuôi con nòng nọc” và bỏ cuộc khi chỉ có một người duy nhất đăng ký khóa học “Những Mô Thức Của Thành Công” vào lần giới thiệu đầu tiên. Và tôi cũng có thể chấp nhận thất bại khi nhiều nhà xuất bản từ chối không in quyển sách đầu tay của mình, “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng thế!”

Không có thất bại, chỉ có bài học kinh nghiệm

Trong khi ấy, những doanh nhân thật sự đều tin rằng khi không đạt được mục tiêu thì đó không phải là thất bại, mà chỉ là bài học kinh nghiệm. Họ học hỏi từ kinh nghiệm ấy để thay đổi, điều chỉnh cách thức tiến hành cho đến khi thành công mới thôi. Họ tin rằng họ chỉ thất bại khi từ bỏ việc đang làm hay ước mơ đang ấp ủ. Một khi không bỏ cuộc, họ là kẻ “bất khả chiến bại”.

Dĩ nhiên, khi bạn có tinh thần “không bao giờ bỏ cuộc”, những thất vọng, sai lầm, trở ngại thậm chí thất bại chỉ là tạm thời. Nhiều doanh nhân thành đạt tin rằng thất bại lớn nhất chính là KHÔNG làm gì cả.

Niềm tin sẽ giúp bạn vượt qua những thời điểm khó khăn nhất

Điều quan trọng nhất chính là nuôi dưỡng niềm tin tưởng sắt son rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp khi bạn có đủ quyết tâm tìm bằng được cách giải quyết vấn đề. Thiếu đi niềm tin không gì lay chuyển ấy, bạn sẽ không có đủ nội lực để vượt qua tất cả những thử thách trên con đường về đích.

Khi nghiên cứu và học tập cách tư duy của những nhà lãnh đạo và doanh nhân lớn trên thế giới, tôi phát hiện ra rằng tất cả những người này đều có niềm tin vững như bàn thạch rằng mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó. Khi trở ngại xuất hiện bất kể họ đã nỗ lực như thế nào, thì trong nguy có cơ, nghĩa là bất cứ thất bại, sai lầm nào cũng mang trong nó một may mắn tiềm ẩn. Niềm tin này tiếp thêm cho họ sức mạnh để vững bước tiếp tục cuộc hành trình, trong khi đa số những người khác bỏ cuộc giữa đường.

Có một điều tốt đẹp dành cho bạn: trong quyển sách này, tôi sẽ chia sẻ với bạn những bài học quan trọng nhất mà bạn cần nắm được để giảm thiểu thất bại và rút ngắn đoạn đường về đích.

Thất bại là mẹ thành công

Xem thêm
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x