Lợi nhuận trong kinh doanh (Phần 2)
3. Số tiền mua trung bình
“Số tiền mua trung bình” là số tiền trung bình mà mỗi khách hàng bỏ ra cho công ty của bạn.
Rõ ràng, mỗi công ty sẽ có một loạt những sản phẩm khác nhau, mỗi món một giá. Một số khách hàng sẽ tiêu nhiều tiền hơn (mua nhiều món hơn hoặc mua những món giá cao hơn) và một số sẽ chi tiền ít hơn. Ta có thể tính số tiền mua trung bình trên mỗi khách hàng bằng cách lấy tổng doanh thu chia cho số lượng khách hàng. Biết được số tiền mua trung bình rất quan trọng trong việc giải bài toán nâng cao lợi nhuận.
4. Số lần mua lặp lại trung bình
Có những khách hàng tuyệt vời đến mức quay lại mua hàng của bạn hơn một lần trong một tháng hay một năm không? May thay, có chuyện như vậy. Số lần trung bình một khách hàng quay lại mua hàng của công ty bạn chính là “số lần mua lặp lại trung bình”. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp thành công là doanh nghiệp có nhiều khách hàng trung thành, thường xuyên quay lại mua hàng, dẫn đến nguồn thu nhập ổn định trong tương lai. Nhiều công ty mắc phải một sai lầm lớn, họ chắc mẩm khách hàng sẽ tự động quay lại vì hài lòng với sản phẩm hoặc dịch vụ của mình.
Ngay cả khi khách hàng hài lòng với công ty của bạn, vẫn có khả năng họ không bao giờ quay lại. Đó là vì hàng ngày họ bị tấn công bởi những mẫu quảng cáo, khuyến mãi hay nhân viên bán hàng của các công ty đối thủ. Các doanh nghiệp khôn ngoan luôn chủ động dùng các chiến lược thu hút khách hàng quay lại. Bạn sẽ học cách trở thành chuyên gia trong việc này ở phần sau chương.
Vậy, “số tiền mua trung bình” và “số lần mua lặp lại trung bình” đóng vai trò gì trong công thức làm ra lợi nhuận? Nếu bạn lấy “tổng số khách hàng” nhân với “số tiền mua trung bình” và “số lần mua lặp lại trung bình”, bạn sẽ có “tổng doanh thu”.
Nói cách khác, nếu bạn muốn tăng doanh thu của công ty, bạn phải tập trung vào:
a) Tăng lượng khách hàng tiềm năng
b) Tăng tỉ lệ mua hàng
c) Tăng số tiền mua trung bình
d) Tăng số lần mua lặp lại trung bình, hoặc tăng cả bốn yếu tố trên cùng lúc
5. Tỉ lệ lợi nhuận ròng
Nếu bạn làm chủ cửa hàng bán quần áo và bán được 6.000 bộ, trung bình giá 80 đô một bộ, bạn không được hưởng cả 480.000 đô (doanh thu = 80 đô x 6.000 bộ) mà phải khấu trừ chi phí làm ra sản phẩm/cung cấp dịch vụ.
Ví dụ, nếu bạn tốn 30 đô để sản xuất ra một bộ đồ, lợi nhuận của bạn cho mỗi giao dịch là 80 đô – 30 đô = 50 đô. Nếu bán tổng cộng 6.000 bộ một năm, tổng lợi nhuận gộp của bạn sẽ là 6.000 x 50 đô = 300.000 đô. Chi phí tiếp theo cần khấu trừ là chi phí hoạt động kinh doanh. Đó là khoản tiền chi cho việc điều hành công ty như thuê văn phòng và trả lương. Ví dụ, nếu chi phí hoạt động kinh doanh của bạn là 180.000 đô/năm, lợi nhuận ròng trước thuế của bạn sẽ là 300.000 đô – 180.000 đô = 120.000 đô.
Tỉ lệ lợi nhuận ròng của công ty bằng lợi nhuận ròng chia cho doanh thu. Trong trường hợp này, tỉ lệ lợi nhuận ròng là 120.000 đô / 480.000 đô = 25%. Điều đó có nghĩa là với mỗi 1 đô thu về, bạn được hưởng 0,25 đô lợi nhuận***. Khi tính được tỉ lệ lợi nhuận ròng của công ty, bạn có thể tính ra lợi nhuận ròng bằng cách nhân doanh thu cho tỉ lệ lợi nhuận ròng.
Rõ ràng, để công ty có thể kiếm lời cao, bạn phải áp dụng các phương pháp hiệu quả để đảm bảo tỉ lệ lợi nhuận ròng của bạn đạt mức cao nhất! Những doanh nghiệp không thành công thường không làm tốt công tác theo dõi hay kiểm soát tỉ lệ lợi nhuận, nên chỉ kiếm được rất ít tiền, thậm chí còn để mất tiền.
Công thức nhân lợi nhuận theo cấp số nhân
Hãy xem lại công thức tính lợi nhuận một lần nữa, để xem ta có cách nào tăng lợi nhuận lên gấp nhiều lần.
Từ công thức trên ta dễ dàng thấy rằng, để tăng lợi nhuận của công ty, ta cần tăng 5 biến số:
1) lượng khách hàng tiềm năng,
2) tỉ lệ mua hàng,
3) số tiền mua trung bình,
4) số lần mua lặp lại trung bình và
5) tỉ lệ lợi nhuận ròng