Kiến thức chuyên ngành của bạn là gì ? Bên cạnh đam mê, bạn cũng cần có kiến thức chuyên ngành để trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực ấy. Tôi hiểu ra rằng, dù trong bất kỳ lĩnh vực nào, để thành công bạn cũng cần có một số bí quyết kinh doanh hoặc kiến thức chuyên ngành.
Chỉ những người giỏi nhất trong ngành mới nắm được những bí quyết ấy.
Kể cả khi có niềm đam mê thật sự, bạn vẫn có thể thất bại nếu không nắm được những “bí kíp” hay tuyệt chiêu thuộc về từng ngành. Ví dụ, ngành tổ chức hội thảo có những chiến lược riêng: làm thế nào để thiết kế một chương trình thành công, làm sao để kiếm khách hàng tiềm năng, làm gì để định giá chương trình, làm sao để người ta đăng ký tham gia, cần làm những gì để mọi việc được chắp nối đâu vào đấy trong khâu tổ chức chương trình, v.v… Bạn có thể thích chinh phục đám đông như tôi, nhưng nếu bạn không có kiến thức (bản thân tôi phải mất rất nhiều năm để tích lũy), bạn sẽ không thể thành công.
Tương tự, tôi có thể rất hứng thú với các món ăn ngon (khó mà kiếm được người Singapore nào không thích ăn uống) và hay mơ tưởng về việc kinh doanh nhà hàng. Tuy vậy, nếu thiếu kiến thức chuyên ngành (ví dụ như cách tìm vị trí đắc địa, cách tìm nhà cung cấp tốt nhất, đầu bếp giỏi nhất, cách thức thiết kế thực đơn hấp dẫn, bí quyết tạo ra khung cảnh nhà hàng lôi cuối, rồi quản lý chi phí, định giá đồ ăn, v.v…) mà lại muốn mở nhà hàng, rất có thể tôi sẽ thất bại, cho dù tôi đã rất thành công trong ngành đào tạo.
Vì vậy, đây là lời khuyên chân thành nhất của tôi: bạn chỉ nên nhảy vào lĩnh vực mà bạn đã có sẵn những hiểu biết và am tường về nó. Nếu không, bạn sẽ mất rất nhiều năm thử nghiệm và sai sót. Và cùng với những sai lầm đó là tiền bạc và công sức trước khi bạn tìm ra được công thức đúng. Trong thế giới cạnh tranh nóng bỏng như ngày nay, thường thì bạn không có đủ thời gian và tiền bạc để làm chuyện đó.
Tuy vậy, có hai cách để bạn có được kiến thức chuyên ngành này. Cách thứ nhất, bạn hãy vào làm việc cho một trong những công ty đang dẫn đầu thị trường trong vòng một vài năm. Trăm hay không bằng tay quen, khi làm việc cho công ty giỏi nhất, bạn sẽ có cơ hội cọ sát với thực tế trong ngành để học hỏi và “nghiệm” ra những điều mà không một ông thầy nào có thể khái quát lên được. Có thể nói có tới hơn 90% doanh nhân thành đạt từng làm việc cho người khác trước khi bắt đầu công ty riêng của mình cũng hoạt động trong lĩnh vực ấy.
Tôi cũng vậy. Trước khi mở AKLTG, tôi làm việc tự do cho vài công ty hàng đầu về hội thảo và giáo dục trong những kỳ nghỉ hè. Chính trong khoảng thời gian “làm thuê học nghề” này mà tôi tích lũy được rất nhiều kiến thức sâu sắc về ngành đào tạo giáo dục.
Trước khi tôi bắt đầu công ty Creatsoul Entertainment (chuyên tổ chức sàn nhảy di động và quản lý sự kiện) mà tôi đã kể ở chương 1, tôi cũng làm DJ bán thời gian và phụ việc (vận chuyển các loại nhạc cụ) cho một trong những công ty tổ chức sự kiện hàng đầu trong vòng 6 tháng. Nhờ khoảng thời gian này mà tôi biết được những việc cần làm để tổ chức một sự kiện thành công.
Cách thứ hai đơn giản hơn nhưng vẫn giúp bạn có được kiến thức chuyên ngành. Bạn hãy thuê hoặc hợp tác với ai đó am hiểu về lĩnh vực này. Ví dụ, Patrick Cheo (đồng sáng lập và CEO của AKLTG) từng không biết gì về ngành tổ chức hội thảo hay đào tạo. Lúc đó, anh chỉ có hai năm kinh nghiệm làm quản trị viên tập sự ở Singapore Press Holding (thuộc ngành xuất bản). Sở dĩ anh thành công trong ngành mới mẻ này là nhờ hợp tác với tôi, người có kiến thức chuyên ngành trong lĩnh vực này
< Đọc tiếp phần 2 >
Thành tố chuyên ngành