MENU
HÀNH TRÌNH TRIỆU ĐÔ CỦA TRIỆU PHÚ ADAM – SINGAPORE
Hành trình vạn dặm đều bắt đầu từ những bước chân đầu tiên
Bắt đầu bằng hành trình triệu đô từ câu chuyện về cuộc đời doanh nhân triệu phú ADAM
“Con nhà giàu” hay “con nhà nghèo” có phải là một sự khác biệt lớn?
HÀNH TRÌNH TRIỆU ĐÔ – Bạn sinh ra có thể không phải trong gia đình giầu có đó không phải lỗi của bạn, nhưng nếu bạn chết đi trong nghèo khó đó là lỗi của bạn
Thường ai cũng mong muốn được sinh ra trong một gia đình giàu có và coi đó là một lợi thế lớn cho việc vào đời. Nếu bạn cũng nghĩ như thế thì bạn cần biết rằng hoàn cảnh kinh tế gia đình không có ảnh hưởng đáng kể đến thành công của chúng ta. Phát hiện này được công bố trong quyển sách “Làm hàng xóm với triệu phú” (The Millionaire Next Door) của Tiến sĩ Thomas J. Stanley (sách bán chạy nhất theo bảng xếp hạng của New York Times). Ông đã tiến hành nghiên cứu và phỏng vấn trên 500 triệu phú ở Mỹ và rút ra nhiều kết luận đáng kinh ngạc, trong đó có kết luận trên.
Thật vậy, trong số hơn 500 triệu phú kể trên chỉ có chưa đến 50 người khởi nghiệp với số tiền được thừa kế hay không phải do mình làm ra. Hơn 90% còn lại xuất thân từ tầng lớp trung lưu, thậm chí là “con nhà nghèo”.
Có phải “đã giàu lại có nhiều hơn, kiếp nghèo bươn chải tráo trưng vẫn nghèo”?
Tất nhiên, việc được sinh ra trong một gia đình giàu có là mơ ước của nhiều người vì đồng tiền mang lại cho con người ta rất nhiều lợi thế. Tuy nhiên, ở góc độ khởi nghiệp, số tiền mà bạn nhận được từ cha mẹ lại không phải là yếu tố quyết định tạo ra sự khác biệt lớn. Điểm khác biệt nằm ở tư tưởng và niềm tin tích cực mà bạn có thể sẽ có được khi sống trong sự dồi dào của cải, vật chất.
Nếu bạn sống trong một khu biệt thự sang trọng bậc nhất, cha bạn kiếm vài triệu đô một năm, cả nhà đi du lịch trên những du thuyền sang trọng thì bạn có xu hướng tin rằng những chuyện như thế là bình thường, và rằng kiếm vài triệu đô là “điều có thể”. Những chuẩn mực trong lối sống của gia đình và những người mà gia đình bạn thường giao du sẽ có ảnh hưởng lớn đến những tiêu chuẩn sống cao hơn dần dần hình thành trong bạn. Và như thế, bạn sẽ bắt đầu cố gắng để đạt được những điều đó khi trưởng thành bởi vì bạn tin những điều đó là hoàn toàn có thể.
Trong khi ấy, cuộc sống nghèo khó, hiển nhiên, có nhiều điểm bất lợi. Nếu bạn sinh ra trong một khu nhà ổ chuột, nơi đa số hàng xóm láng giềng chưa học hết phổ thông, phần lớn lao động chân tay, chưa bao giờ có một chiếc xe tử tế hoặc sống trong một căn hộ đàng hoàng, bạn có khuynh hướng tin rằng, “Xung quanh mình toàn những người không thoát nổi cái nghèo thì làm sao mình có thể khác đi được?”, rằng “Xe hơi và nhà lầu ư? Đó là những thứ dành cho người khác, chứ không phải cho mình”.
Vậy thì làm cách nào mà những người như Warren Buffett, Steve Jobs hoặc Sim Wong Hoo (Giám đốc điều hành của Creative Technologies) là những người được sinh ra trong nghèo khó lại có cách nghĩ tích cực, họ biết mượn cái nghèo làm bệ phóng và động lực cho những ước mơ lớn? Vấn đề là ở chỗ, cái nghèo không giam hãm tâm hồn và ý chí của họ mà trái lại tạo động lực cho họ kiến tạo một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ là những người biết phóng tầm mắt ra khỏi gia đình của mình, học hỏi và noi gương những thần tượng là những tỷ phú xuất thân từ hai bàn tay trắng; đó là những tấm gương sống tiếp thêm cho họ niềm tin rằng việc trở thành tỷ phú không phải là điều không tưởng!
Vì vậy, nếu gia đình bạn luôn sống trong cảnh “giật gấu vá vai”, bản thân bạn mang tâm trạng bức bách, thất vọng với cảnh thiếu thốn thì bạn hãy biến nỗi bức xúc này thành động lực cho việc tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và những người mà bạn thương yêu. Đồng thời, đừng để những chuẩn mực trong lối sống gia đình ấn định tiêu chuẩn sống cho chính bạn. Nếu những người xung quanh bạn không kiếm được hàng triệu đô mỗi năm thì điều đó không có nghĩa là bạn không làm được. Hãy tìm cho mình những thần tượng là những người thành công nhờ vào trí lực của họ và đặt chuẩn mực cho mình dựa vào chuẩn mực của những thần tượng này.
Học kỹ năng quan trọng nhất đối với một doanh nhân
HÀNH TRÌNH TRIỆU ĐÔ
Bài học đầu tiên mà tôi học được đó là nhận ra rằng sự từ chối là một phần của cuộc chơi. Để bán được hàng, bạn sẽ gặp phải một số lần bị từ chối. Ví dụ, nếu sau 10 “CÁI LẮC ĐẦU” tôi mới bán được cho một người và kiếm được 100 đô tiền hoa hồng thì điều đó có nghĩa là mỗi “CÁI LẮC ĐẦU” đáng giá 10 đô. Một khi tôi đã vượt qua được nỗi sợ bị từ chối, tôi bắt đầu một chiến dịch lớn, mạnh dạn gõ cửa bất cứ văn phòng nào mà tôi tìm được.
Bài học thứ hai tôi học được từ những quyển sách, đó là nếu bạn không thích công việc bán hàng, bạn sẽ không thể làm giàu được. Để đạt được BẤT CỨ THỨ GÌ trong cuộc sống, bạn đều phải “bán” một cái gì đó!
Bạn muốn có một công việc lý tưởng với thu nhập cao ư? Bạn phải có khả năng “bán” bản thân mình trong các cuộc phỏng vấn. Nếu muốn được thăng tiến, bạn phải biết cách “bán” ý tưởng và kỹ năng của mình cho sếp. Đâu phải lúc nào những người thông minh nhất và chăm chỉ nhất cũng được ngồi vào đúng vị trí. Chỉ có những người có khả năng thể hiện mình trước ông chủ của anh ta mới làm được điều đó. Lý do cản trở nhiều người, dù có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ, không trở nên giàu có và thành đạt, là bởi vì họ không biết cách “bán”.
Một sự thật bừng sáng trước mắt tôi: các chính trị gia và các giám đốc điều hành lỗi lạc nhất chính là những người bán hàng vĩ đại nhất! Những người trở thành tổng thống Mỹ (hay bất kỳ nước nào khác) không phải là những con người tài giỏi nhất (thử nhìn Bush mà xem) mà là những người giỏi giang nhất trong việc “bán” chính họ và ý tưởng của họ cho những người xung quanh.
Để trở thành một doanh nhân thành đạt, bạn phải học cách “bán” tầm nhìn của mình cho những người làm thuê cho bạn, “bán” mô hình kinh doanh của mình cho các nhà đầu tư và “bán” thương hiệu và sản phẩm cho khách hàng.
Vậy làm thế nào tôi có thể vượt qua cái nhọc nhằn, gian khổ trong việc bán hàng và làm thế nào để bạn cũng làm được điều tương tự? Câu trả lời chỉ có một: thay đổi cách nhìn của mình trong việc bán hàng. Lúc đầu, tôi đã có một nhận thức sai lầm rằng khi bán một thứ gì đó tức là tôi chiếm hữu một số tiền của khách.
Sau đó, tôi đã điều chỉnh nhận thức của mình rằng, khi bạn bán một sản phẩm hay một dịch vụ nào đó có tác dụng gia tăng giá trị trong cuộc sống con người, thì đó là một cuộc trao đổi đôi bên cùng có lợi. Bạn đang giúp người mua giải quyết một vấn đề, đáp ứng một nhu cầu hoặc giúp họ đạt được một mục tiêu nào đó. Đồng thời, bạn cũng xứng đáng được hưởng tương xứng với những gì bạn mang đến cho người mua.
HÀNH TRÌNH TRIỆU ĐÔ