Thành tố chuyên ngành – Người Giỏi nhất
Thế là bạn đã có danh sách những ý tưởng kinh doanh dựa trên niềm đam mê hay sở thích đặc biệt của mình. Bây giờ, thử nghĩ xem bạn có những kiến thức chuyên ngành gì. Bạn đang làm việc trong ngành nào? Bạn có thể thuê hay hợp tác với ai có kiến thức chuyên ngành trong lĩnh vực mà bạn muốn kinh doanh?
Làm thế nào để tạo nên sự khác biệt?
Một khi bạn đã quyết định lĩnh vực kinh doanh bạn muốn tham gia, câu hỏi tiếp theo bạn phải trả lời là: “Làm thế nào để tạo nên sự khác biệt với đối thủ?”
Sự giống nhau chết người
Lý do chính giải thích tại sao đa số công ty bị đối thủ “giết” chết hoặc thất bại là vì những công ty này chỉ giỏi bắt chước hoặc sao chép công ty khác. Các trung tâm dạy thêm mọc lên như nấm sau cơn mưa cũng giống như hàng trăm các trung tâm dạy thêm khác. Các cửa hàng bán đồ điện tử mới mở thường na ná như tất cả cửa hàng khác gần đó. Các tiệm làm tóc cũng thường rất giống nhau từ cách trang trí đến cung cách phục vụ, v.v…
Khi công ty của bạn chẳng có điểm nào phân biệt với những công ty khác (điểm khác biệt duy nhất chỉ là tên trên biển hiệu), bạn sẽ thấy khả năng thành công của mình là rất thấp! Hãy nhớ rằng chỉ có 10% công ty thành công và 90% còn lại chịu số phận thất bại. Vì vậy, nếu bạn cũng làm giống y chang người khác, bạn có thể biết chắc sớm muộn gì bạn cũng nằm trong số 90% ấy.
Khi bạn bán cùng loại sản phẩm hoặc dịch vụ như đối thủ, bạn sẽ thấy mình rơi vào cuộc chiến giành giật từng khách hàng, và chủ yếu là cạnh tranh về giá cả. Thông thường, người bán giá thấp hơn sẽ thắng. Trong một môi trường “cạnh tranh công bằng”, không ai có thể ngồi mát ăn bát vàng. Ai cũng phải vật lộn để tồn tại.
Mỗi lần tôi tổ chức chương trình đào tạo dành cho doanh nhân, người nào cũng hỏi tôi về cùng một chuyện: cuộc cạnh tranh căng thẳng khó khăn mà họ phải đối đầu. Những câu chuyện họ nói với tôi có cùng kịch bản: công việc có lúc khá thuận lợi, rồi các đối thủ lần lượt xuất hiện, giá bán giảm xuống và nếu chạy theo cuộc đua thì chẳng kiếm được đồng lời. Cuối cùng, mọi người hỏi tôi nên tham gia lĩnh vực nào ỷ có ít đối thủ và nhiều cơ hội hơn. Đây là câu chuyện mà tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần.
Thật ra tất cả các ngành đều có sự canh tranh quyết liệt nếu bạn chỉ làm y như số đông. Tuy vậy, nếu bạn kinh doanh theo kiểu khác, bạn sẽ thấy rằng mình không có đối thủ trực tiếp. Cho phép tôi kể lại câu chuyện của chính mình.
Trong suốt nhiều năm, nhiều trường học ở Singapore thuê các công ty bên ngoài dạy những chương trình bồi dưỡng cho học sinh của họ. Cũng như tất cả những lĩnh vực khác, cuộc cạnh tranh để có được hợp đồng dạy ở các trường ngày càng trở nên khốc liệt. Có hàng trăm đối thủ và mỗi tuần, các trường nhận được hàng trăm đơn báo giá!
Các công ty thường lấy giá vài chục đô một học sinh cho vài giờ dạy, với những chủ đề như “tư duy sáng tạo”, “kỹ năng học tập”, “kỹ năng giao tiếp xã hội”, “quản lý thời gian”, v.v… Khi tôi gia nhập thị trường này 10 năm về trước – công ty tôi lúc ấy có tên là “Adam Khoo & Associates” – tôi biết mình phải làm khác đi. Nếu tôi cũng đưa ra đơn giá vài chục đô một học sinh cho vài giờ dạy, lập tức tôi sẽ “chết” trong tay đối thủ.
Thay vì thế, tôi tự hỏi: vấn đề của những khóa học kéo dài vài tiếng này là gì. Nó không thể đáp ứng được những nhu cầu nào? Vấn đề mấu chốt chính là tác động và kết quả lâu dài. Nhược điểm của những chương trình này là trong vòng vài tiếng ngắn ngủi, nó không có cách gì tạo ra bất kỳ sự thay đổi nào trong suy nghĩ của người nghe và nó chỉ có thể là một mớ lý thuyết suông. Rõ ràng học sinh cần một thời lượng đủ lâu để tiếp thu tốt lý thuyết và áp dụng những kỹ năng vừa học được. Thật ra, những chương trình vài tiếng như vậy chỉ là biện pháp lấp chỗ trống để những kỳ nghỉ hè có vẻ có nhiều màu sắc mà thôi. Người học không thể có được lợi ích lâu dài từ những buổi học này.
Thế là tôi quyết định là người đầu tiên tung ra chương trình ba ngày kéo dài từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, với mục đích thay đổi toàn diện quan niệm của học sinh về học tập, gia đình và cuộc sống. Chương trình sẽ cung cấp cho học sinh không chỉ những phương pháp học tập hiệu qua mà còn những kỹ năng sống hữu ích. Và người học có thể “đo lường” được ảnh hưởng của nó qua những thay đổi rõ rệt bên trong bản thân mình. Tất nhiên, với chương trình ba ngày, tôi có thể lấy giá cao gấp hàng chục lần bất kỳ công ty nào khác.
Thoạt đầu, người ta “phán” rằng ý tưởng của tôi sẽ không bao giờ thành công. Rằng chẳng trường nào lại “cắt” cho tôi ba ngày trong chương trình học của học sinh và chẳng ai chịu chi ra hàng trăm, thậm chí hàng ngàn đô cho một khóa học. Tuy vậy, tôi thuyết phục được trường đầu tiên mua chương trình của mình và kết quả cực kỳ ấn tượng! Lần đầu tiên, học sinh được tham gia một chương trình rèn luyện bản thân mà cảm thấy thật sự hứng thú, như được tiếp thêm luồng sinh khí mới để có động lực học tập tốt. Nhiều học sinh của tôi sắp sửa bị đuổi học, chỉ sau khóa học ba ngày, đã đạt thành tích cao hơn.
Nhiều học sinh bị coi là “hết thuốc chữa” cũng đã dần dần trở nên ngoan hơn và học tốt hơn. Kết quả của việc tôi tấn công cùng một thị trường, đáp ứng cùng một nhu cầu nhưng theo một cách thức hoàn toàn khác khiến AKLTG trở thành công ty dẫn đầu trong thị trường đào tạo không chỉ tại Singapore mà còn cả Châu Á. Hiện tại, cứ bốn trường thì có một trường hợp tác với công ty chúng tôi. Hàng năm, AKLTG huấn luyện cho hơn 34.000 học sinh, 2.000 thầy cô giáo và 5.000 phụ huynh qua những chương trình thật sự mang lại sự thay đổi tích cực. Tôi gần như không có đối thủ trực tiếp vì không ai có kiến thức chuyên ngành để thiết kế, tổ chức và tiếp thị một chương trình trọn vẹn như chúng tôi (bạn còn nhớ bí quyết chuyên ngành mà tôi đã đề cập ở phần trước?).
Thành tố chuyên ngành (Phần 2)