Bốn giai đoạn phát triển của công ty Phần 2
Trong giai đoạn hào hứng gây dựng doanh nghiệp ban đầu, điều quan trọng là bạn cần nhận thức rõ các giai đoạn khác nhau mà công ty của bạn phải trải qua.
Giai đoạn 3: Phát triển bền vững
Khi bạn đã thành công trong việc vượt qua những khó khăn, thử thách trong giai đoạn phát triển ban đầu, doanh nghiệp của bạn sẽ bước vào giai đoạn phát triển bền vững. Trong giai đoạn này, công ty của bạn đã sinh lợi ổn định được hơn 5 năm.
Các chức năng của doanh nghiệp đã được sắp xếp đâu ra đó, cơ cấu và hệ thống hoạt động cũng đã đi vào nề nếp. Để duy trì tốc độ phát triển, công ty của bạn sẽ phải không ngừng mở rộng hoạt động trong nước cũng như ngoài nước.
Thử thách:
Giờ đây công ty bạn đã trở thành một trong những nhân vật “có máu mặt” trong ngành, mức độ cạnh tranh cũng sẽ căng thẳng, quyết liệt hơn, nhất là với các công ty dẫn đầu thị trường khác. Để chống lại mối đe dọa từ các đối thủ cạnh tranh, bạn sẽ phải không ngừng đổi mới và tăng cường ưu thế cạnh tranh của mình. Bạn sẽ phải dành nhiều thời gian và tiền bạc cho quảng cáo để củng cố hình ảnh thương hiệu của công ty đối với khách hàng.
Khi công ty lớn mạnh hơn (với khoảng 200 nhân viên và doanh thu 50 triệu đô), bạn bắt đầu nhận thấy mình (cùng với đội ngũ quản lý tiên phong) thiếu đi những kỹ năng cần thiết để quản lý hiệu quả một tổ chức lớn cùng với nhiều guồng máy sản xuất và phục vụ nhiều thị trường đến vậy. Điều này chắc chắn sẽ xảy ra nếu bạn không liên tục cập nhật các kiến thức mới nhất về quản trị kinh doanh hoặc có ít kinh nghiệm quản lý cấp cao tại các tập đoàn lớn. Trong giai đoạn này, nhiều doanh nhân hoặc phải tự nâng cấp bản thân (đi học bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh – MBA) hoặc/và bắt đầu thuê các giám đốc/quản lý chuyên nghiệp với nhiều năm kinh nghiệm ở các công ty đa quốc gia để đưa công ty tiến lên phía trước.
Một thách thức khác nữa là sự thiếu hụt những người quản lý có tài để điều khiển các hoạt động của công ty ở nước ngoài. Do đó, bạn phải tập trung nhiều nỗ lực hơn trong việc tuyển dụng và hát triển đội ngũ quản lý mới.
Quản lý và phong cách lãnh đạo:
Trong giai đoạn này, nhiều giám đốc và quản lý các bộ phận đã có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm điều hành công ty hiệu quả. Bạn có thể tin tưởng rằng họ sẽ thay mặt bạn trong vai trò “ông chủ nhà”. Điều đó có nghĩa là nay đã có nhiều ông chủ nhà chu đáo, mẫn cán chú tâm vào chi tiết công việc, còn bạn thì được giải phóng để tập trung vào những vấn đề vĩ mô và các mục tiêu chưa hoàn thành (quản lý theo mục tiêu).
Phương pháp quản lý của bạn, vì thế, nên chuyển sang vai trò hỗ trợ nhiều hơn. Bạn phải chuyển hướng từ chỗ tập trung nhiều vào công việc, sang chỗ tập trung nhiều hơn vào con người. Vai trò chính của một CEO như bạn là không ngừng động viên, truyền cảm hứng cho những nhân viên chủ chốt về tầm nhìn và sứ mệnh của công ty.
Giai đoạn 4: Lớn mạnh
Bạn sẽ biết rằng doanh nghiệp của mình đã thật sự trưởng thành khi mức tăng trưởng của doanh số bán hàng và lợi nhuận bắt đầu chậm lại hoặc giảm dần. Khi công ty đã thâm nhập đủ sâu
vào thị trường và nhu cầu trong ngành bắt đầu trì trệ hoặc giảm sút, bạn sẽ nhận ra mình ở vào thế bảo vệ công ty hơn là nắm bắt thị phần mới.
Tuy nhiên, là một trong những công ty hàng đầu trong ngành, bạn sẽ có thể tạo ra nguồn tiền vững chắc và sẽ sử dụng phần lớn khoản tiền này để trả cổ tức nhiều hơn là tái đầu tư lại vào công ty.
Thử thách:
Khi nhu cầu cho sản phẩm/thương hiệu của bạn bắt đầu trì trệ và các đối thủ cạnh tranh mới phát minh ra nhiều lựa chọn khác tốt hơn, thử thách chính của bạn là phải luôn thích ứng với thị trường, duy trì ưu thế cạnh tranh trong ngành. Nếu không, thương hiệu và sản phẩm của bạn sẽ sớm bị lạc hậu và lỗi thời trong thị trường, và việc nó bị một thương hiệu khác mới hơn, thú vị hơn thay thế cũng chỉ là chuyện ngày một ngày hai.
Vấn đề là ở chỗ, nhiều công ty trong giai đoạn trưởng thành này thiếu đi ý tưởng mới và khả năng sinh lợi bị mài mòn dần. Để đứng vững ở vị trí dẫn đầu, bạn phải không ngừng đổi mới để củng cố lại thương hiệu và sản phẩm của mình.
Một trở ngại thường thấy là tâm lý không sẵn sàng thay đổi của ban quản lý, đặc biệt là những người đã làm việc cho công ty từ 10-20 năm. Tính bảo thủ muốn duy trì luật lệ cũ, suy nghĩ cũ đã từng một thời rất hiệu quả, có thể biến thành trở ngại lớn trong công cuộc “tự làm mới mình” của công ty. Để tiếp tục thành công, bạn phải tập trung thay đổi tư duy của đội ngũ nhân viên lão thành hoặc có kế hoạch đào tạo đội ngũ quản lý mới, trẻ trung, năng động, dám thay đổi, để có thể tiếp tục đưa công ty tiến lên.
Quản lý và phong cách lãnh đạo:
Trong giai đoạn này, bạn sẽ nắm giữ vai trò của một người thầy. Quy trình hoạt động mỗi ngày trong công ty phải được giao phó cho những người kế thừa trong khi bạn dành thời gian để hướng dẫn và phát triển đội ngũ lãnh đạo mới.
Bốn giai đoạn phát triển của công ty (Phần 2)